Bất ngờ lợi nhuận Big 4 ngân hàng: Nhường ngôi á hậu cho 1 đối thủ đáng gờm
Bức tranh kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2024 đã lộ diện hoàn rõ nét. Toàn ngành ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 128.987 tỷ đồng, tăng trưởng 13,95% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm “Big 4” ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank) đã thu về 50.188 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm gần 40% tổng lợi nhuận toàn ngành. Trong đó, Vietcombank vẫn dẫn đầu về lợi nhuận, BIDV ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm, trong khi Agribank có sự giảm sút về lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các ngân hàng tư nhân cũng không kém cạnh với nhiều cái tên nổi bật như Techcombank (TCB) và MB Bank (MBB). Các ngân hàng nhỏ như BVBank cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội.
Nhóm Big 4 tiếp tục là nhóm trụ, Vietcombank duy trì vị trí số 1
Vietcombank (VCB) tiếp tục đứng đầu về lợi nhuận sau thuế với 16.711 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,77% so với cùng kỳ, chiếm 12,96% tổng lợi nhuận toàn ngành. Mặc dù thu nhập lãi thuần giảm 0,84%, xuống còn 27.985 tỷ đồng, Vietcombank đã thành công trong việc cắt giảm chi phí hiệu quả. Chi phí hoạt động giảm 755 tỷ đồng xuống còn 10.175 tỷ đồng, và ngân hàng đã giảm trích lập dự phòng 1.536 tỷ đồng, giảm xuống còn 3.021 tỷ đồng.
BIDV (BID) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 12.450 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần đạt 28.379 tỷ đồng, tăng 3,26%, trong khi lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 13,8% và lãi từ hoạt động ngoại hối tăng gấp đôi.
Đáng chú ý, BIDV còn dẫn đầu về tổng tài sản, đạt 2,52 triệu tỷ đồng, là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cán mốc 2,5 triệu tỷ đồng về tổng tài sản. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 1,88 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 1,52%.
Agribank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 10.615 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,79% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần tăng lên 30.634 tỷ đồng, trong khi lãi từ hoạt động dịch vụ và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có sự biến động không đồng đều. Agribank đã tăng 2.178 tỷ đồng trích lập dự phòng, tăng tổng chi phí dự phòng lên 11.051 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,85% xuống 1,84%, mặc dù tổng nợ xấu tăng nhẹ.
Mặc dù lợi nhuận giảm, nhưng Agribank là ngân hàng giải ngân nhiều nhất đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. Cụ thể, phê duyệt 11 dự án nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt 3.023 tỷ đồng, doanh số giải ngân 689 tỷ đồng, dư nợ cho vay 657 tỷ đồng.
VietinBank (CTG) báo lãi sau thuế đạt 10.412 tỷ đồng, tăng 3,1%. Thu nhập lãi thuần tăng lên 30.513 tỷ đồng, nhưng tổng nợ xấu tăng 48,4% so với đầu năm, đạt 24.645 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đã tăng lên 1,56%.
Nhóm “Big 4” thu về 50.188 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 |
Techcombank vượt lên mạnh mẽ
Techcombank (TCB) đã vượt qua ba ngân hàng trong nhóm Big 4, đứng thứ hai về lợi nhuận sau thuế với 12.547 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 38,78%. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng 40%.
Techcombank cũng ghi nhận tăng trưởng 17% trong thu nhập từ dịch vụ và tăng trưởng 199% trong phí dịch vụ ngân hàng đầu tư, đạt 1.792 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng này đã đạt kỷ lục phí dịch vụ IB trong quý II.
Xếp hạng lợi nhuận của 29 ngân hàng công bố BCTC, nguồn: tác giả tự tổng hợp |
Techcombank không chỉ chiếm ngôi á hậu về lợi nhuận nhóm ngân hàng trong nửa đầu năm mà còn vươn lên TOP 2 về vốn điều lệ trong số các ngân hàng.
Điểm cộng khác, Techcombank là một trong những ngân hàng duy trì chính sách thu nhập hấp dẫn cho nhân viên. Bình quân mỗi nhân viên trên toàn hệ thống có thu nhập 53 triệu đồng/tháng trong nửa đầu năm 2024. Con số này nằm trong nhóm các ngân hàng Việt Nam dẫn đầu về thu nhập dành cho nhân viên.
Techcombank còn thường xuyên phát hành cổ phiếu ESOP để giữ chân nhân tài. Mới đây, ngân hàng này công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Techcombank tăng 6,9% so với đầu năm, lên mức 908.300 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của khách hàng đạt 481.900 tỷ đồng, tăng 6,0% so với đầu năm. Số dư CASA tuy giảm nhẹ so với quý trước, vẫn giữ ở mức cao nhất trong lịch sử, hơn 180.000 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng đạt 584.713 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng khách hàng doanh nghiệp quý II tăng 4,3% so với quý trước, thấp hơn mức tăng 7,0% (so theo quý) của dư nợ khách hàng cá nhân. Dư nợ cho vay mua nhà phục hồi lên mức 181,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm và 9,1% so với cùng kỳ.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn