Bề dày kinh nghiệm của 'ông lớn' ngành xây dựng Trung Quốc sẽ góp sức ở 2 đại dự án 85.404 tỷ tại Hà Nội
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương của Trung Quốc (CPCG), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinoconex) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố.
Theo biên bản ghi nhớ, các bên liên quan thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, trong đó trọng điểm là dự án cầu Tứ Liên và dự án đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc.
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương của Trung Quốc có năng lực thế nào?
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group) được ông Nghiêm Giới Hoà thành lập năm 1995, tập trung cốt lõi vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng.
Tập đoàn đã được cấp giấy chứng nhận cấp 1 của Trung Quốc về tổng thầu xây dựng đường cao tốc, khu đô thị, công trình thuỷ lợi, kiến trúc và một số lĩnh vực khác. Tập đoàn này hiện đang vận hành khoảng 3.000 khu công nghiệp, các dự án đô thị trên khắp Trung Quốc.
CPCG là doanh nghiệp xếp thứ 96 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, thứ 19 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Đây là doanh nghiệp tư nhân thứ 2 của Trung Quốc nằm trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới.
Tập đoàn đã khởi xướng hình thức đầu tư BT và tham gia xây dựng tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp bằng cách áp dụng hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP.
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương cũng trực tiếp tham gia vào các dự án của Thượng Hài – Nam Kinh; Thượng Hải – Chu Hải; Bắc Kinh – Thượng Hải…cũng như các dự án trọng điểm quốc gia khác.
Những năm gần đây, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương tích cực mở rộng thị trường ra nước ngoài, đặc biệt là tăng cường trao đổi, hợp tác với 10 nước ASEAN, Trung Tây Á và Trung Đông Âu. Hiện Tập đoàn này đang triển khai các dự án tàu điện ngầm, tàu cao tốc hợp tác với Ukraine, Iran và Malaysia.
Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại trụ sở Chính Phủ ngày 14/1/2023, ông Nghiêm Giới Hoà, người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương từng bày tỏ mong muốn được tham gia các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam theo đúng tinh thần mà Thủ tướng đã chỉ đạo là chất lượng, tiến độ, không đội vốn và tuân thủ pháp luật, báo Chính Phủ đưa tin.
Sau đó, đến ngày 23/2/2023, bà Ngô Tĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty quốc tế Thâm Lan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Theo Hà Nội Mới, tại đây, bà Ngô Tĩnh chia sẻ rằng sau quá trình tính toán, Tập đoàn Thái Bình Dương đã lựa chọn đặt văn phòng tại Hà Nội, vì đây là điểm đến đầu tiên có duyên, và cũng là trung tâm chính trị, văn hoá của cả nước, nhấn mạnh, Thái Bình Dương sẽ trở thành “doanh nghiệp bản địa”, làm lợi tối đa cho thành phố.
Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết mong muốn được đồng hành cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội thông qua hợp tác đầu tư vào các dự án quy hoạch và đô thị để có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Dự án xây dựng cầu Tứ Liên trị giá 20.000 tỷ
Dự án xây dựng cầu Tứ Liên tại Hà Nội là một trong những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của thành phố, nối từ đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ sang địa bàn xã Đông Hội, huyện Đông Anh.
Dự án này bao gồm việc xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu này đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, với tổng chiều dài khoảng 11,5km.
Cầu Tứ Liên khi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Đông Anh vào trung tâm Hà Nội, giảm tải áp lực giao thông cho các cây cầu khác như Chương Dương, Thăng Long, Nhật Tân và thúc đẩy phát triển kinh tế 2 bên bờ sông Hồng.
Cây cầu này khi hoàn thành sẽ giảm ách tắc cho các lộ trình giao thông từ thủ đô Hà Nội lên các tỉnh phía Bắc, hình thành nên cửa ngõ thứ 3 từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố, góp phần mở rộng sự phát triển của thủ đô Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trong đô thị, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Hà Nội.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 5 trị giá 65.404 tỷ
Tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc, là tuyến đường sắt xuyên tâm với tổng mức đầu tư lên tới 65.404 tỷ đồng, là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của thành phố.
Dự án metro số 5 chính là công trình đường sắt đô thị có chiều dài và quy mô vốn lớn nhất trong số 8 tuyến metro được quy hoạch triển khai tại Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2030.
Tuyến metro này có tổng chiều dài 38,43km, bao gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29,93km đi trên mặt đất, với 21 ga và 2 khu depot. Phần lớn chiều dài của tuyến metro sẽ chạy giữa các tuyến đường bộ hiện hữu, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian giải phóng mặt bằng.
Dự án được bố trí 21 ga gồm: Quần Ngựa, Kim Mã, Vành đai 1, Vành đai 2, Hoàng Đạo Thúy, Vành đai 3, Lê Đức Thọ, Mễ Trì, Tây Mỗ, An Khánh 1, An Khánh 2, Song Phương, Sài Sơn, Quốc Oai, Ngọc Mỹ, Đồng Bụt, Đồng Trúc, Đồng Bãi, Tiến Xuân, Trại Mới, Thạch Bình. Tuyến được bố trí 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng 18 ha và tại xã Yên Bình, Thạch Thất rộng 7 ha.
TP Hà Nội dự báo nhu cầu giao thông trên tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc năm 2025 vào khoảng 273 nghìn lượt khách/ngày đêm, tương đương hơn 24,7 nghìn lượt khách/giờ cao điểm.
Đến năm 2050, con số này dự báo đạt hơn 780 nghìn lượt hành khách/ngày đêm, tương đương hơn 63,8 nghìn lượt khách/giờ cao điểm. Từ đây, Hà Nội đề xuất lựa chọn hệ thống vận tải trung bình (MRT) với tốc độ chạy tàu trung bình khoảng 120km/h, đoạn ngầm khoảng 90km/h...
Xem thêm tại cafef.vn