Bệ đỡ thị trường

Thị trường chứng khoán tiếp tục chứng tỏ là một thị trường khó đoán bậc nhất với các nhà đầu tư khi hầu hết các phiên trong tuần, tâm lý đầu tư và cả thực tế giao dịch đều thể hiện sự lừng khừng, cạn kiệt thanh khoản, khác một trời một vực so với phiên chốt tuần.

Nếu câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra những phiên trước đó là liệu có nên cắt lỗ với những tài khoản đang còn tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục thì sau phiên cuối tuần qua, nhiều người sẽ băn khoăn hơn về việc đã có thể giải ngân chưa và diễn biến sắp tới sẽ ra sao khi thị trường bước vào "khoảng lặng thông tin" khi đã kết thúc mùa báo cáo bán niên.

Dù vậy, nếu nhìn dài hạn hơn, còn không ít mã cổ phiếu tiềm năng vẫn đang giao dịch ở vùng đáy. Sự quan tâm đến chỉ số VN-Index ở thời điểm này giống như quan sát một tín hiệu để nhà đầu tư giải ngân vào các mã cổ phiếu yêu thích ở vùng giá hợp lý nhắm tới. Việc quan sát VN-Index giúp nhà đầu tư tìm kiếm sự đồng thuận từ thị trường cho đà tăng trở lại của mã chứng khoán mình lựa chọn.

Điểm sáng đáng chú ý là trong giai đoạn dài lình xình vừa qua, không ít mã cổ phiếu vẫn ngược dòng thị trường. Điển hình là cổ phiếu VNM vẫn tăng 14%, từ mức giá 65-66.000 đồng/CP lên 74.000 đồng/CP. Ngay cả những phiên thị trường giảm điểm mạnh, giá cổ phiếu VNM cũng rung lắc không lớn sau khi đã tích lũy vững chắc ở vùng 66.000 đồng/CP. MSN - nhà bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu cũng tăng giá trở lại từ mức 70.000 đồng lên 77.000 đồng/CP với thanh khoản dồi dào. Nhìn chung, dòng tiền bắt đầu tăng trở lại ở nhóm ngành bán lẻ ở những mã cổ phiếu như DGW, PET, FRT… Sự quan tâm đến những cổ phiếu ngành thiết yếu cho thấy kỳ vọng một sự phục hồi của thị trường nội địa…

Các số liệu mấy tháng qua cho thấy tín hiệu lạc quan với phục hồi tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong tháng 7, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 15,7% và 18,5%, đưa thặng dư thương mại 7 tháng lên 14.08 tỷ USD. Các hoạt động sản xuất tiếp tục đà tăng trưởng ổn định 5 tháng liên tiếp, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2% so với cùng kỳ, song song với chỉ số PMI giữ vững ở mức 54,7 trong tháng 7, minh chứng cho sự hồi phục bền bỉ và triển vọng đầy hứa hẹn của ngành công nghiệp Việt Nam. Doanh số bán lẻ được cải thiện trong tháng 7 nhờ bán lẻ hàng hóa tăng. Đầu tư công cũng sẽ tăng trong các tháng cuối năm.

Nền tảng của thị trường là sức khỏe nền kinh tế vẫn đang tốt lên. Nhưng thị trường chứng khoán đã phản ánh sớm và nhanh kỳ vọng đó nên buộc phải điều chỉnh, đặc biệt cộng với áp lực của thị trường thế giới và bán ròng của nhà đầu tư ngoại.

Sau phiên bùng nổ theo đà, xác suất thị trường trở lại trạng thái lình xình khi đối diện với giai đoạn "khoảng trống thông tin", thậm chí xuất hiện một đợt suy giảm của chỉ số để thu hút dòng tiền không phải không có khả năng xảy ra, nhưng với nền tảng tăng trưởng kinh tế trong nước đang tốt trở lại và khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 tới trở nên rõ ràng hơn, triển vọng trung và dài hạn của thị trường là khá sáng sủa.

Tất nhiên, thị trường dù diễn biến ra sao cũng sẽ rất khó có cảnh "dàn hàng ngang cùng tiến". Sẽ có những ngành, những nhóm cổ phiếu có nền tảng tốt hơn để vượt lên. Đó cũng là nội dung Tiêu điểm “Đãi chứng trường tìm cổ phiếu mạnh” trên Đầu tư Chứng khoán tuần này.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn