Be Group “may đo” dịch vụ chờ... có lãi

Tham vọng của Be Group là phục vụ 20 triệu người dân Việt Nam trong tất cả nhu cầu dịch vụ cuộc sống hàng ngày
Tham vọng của Be Group là phục vụ 20 triệu người dân Việt Nam trong tất cả nhu cầu dịch vụ cuộc sống hàng ngày

Tăng tốc khai thác dịch vụ mới

Nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Be thuộc Be Group - một trong những ứng viên trở thành kỳ lân công nghệ của Việt Nam - vừa nhận thêm khoản đầu tư mới trị giá tới 739,5 tỷ đồng. Thương vụ này tiếp nối khoản vay 100 triệu USD từ đối tác ngoại là Ngân hàng Deutsche Bank Singapore vào năm 2022.

Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), thành viên Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đầu tư sở hữu cổ phần Be Holdings - công ty chủ sở hữu của Be Group. VPBankS cũng sẽ là nhà đầu tư tổ chức đầu tiên tham gia công ty chủ sở hữu Be Group, nắm giữ cổ phần thiểu số.

Be Group sẽ sử dụng nguồn vốn được bổ sung để tiếp tục mở rộng và nâng cao toàn diện các dịch vụ gọi xe, giao hàng, dịch vụ số, dịch vụ tài chính, cũng như mở rộng các thị trường, dịch vụ mới thuộc lĩnh vực tiêu dùng, giao thông - vận tải.

Với tầm nhìn phục vụ 20 triệu người dùng Việt Nam trong các nhu cầu hàng ngày, cùng mạng lưới đối tác chiến lược của Be, Công ty đặt mục tiêu có lợi nhuận trước thuế trong năm tài chính 2024.

Trong khi đó, gã khổng lồ gọi xe và giao đồ ăn Grab đặt mục tiêu có lãi vào cuối năm 2023. Grab đặt mục tiêu doanh thu trong năm qua đạt 2,2 - 2,3 tỷ USD. Năm 2022, Grab vẫn bị lỗ 1,7 tỷ USD, giảm 51% so với khoản lỗ 3,5 tỷ USD của năm 2021.

Dẫn đầu thị trường gọi xe và giao hàng ở Đông Nam Á, song Grab vẫn chưa có lợi nhuận do chi tiêu lớn cho tăng trưởng và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ. Bên cạnh đó, Grab cũng đang phải đối mặt với rủi ro tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng người dùng của Grab cũng chậm lại do các đối thủ cạnh tranh liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi và cước thấp hơn nhằm thu hút khách hàng.

Theo ông Alex Hungate, CEO của Grab, Công ty đang chuẩn bị tận dụng các cơ hội ở thị trường Đông Nam Á. Do phải chịu áp lực lớn từ nhà đầu tư nhằm giảm chi phí nhanh hơn, Grab đã cam kết hạn chế thua lỗ và bắt tay vào các biện pháp cắt giảm chi phí. Trong đó, Grab tiếp tục cắt giảm các ưu đãi và xem xét các lĩnh vực chi tiêu. Đặc biệt, Grab cũng phải cắt giảm nhiều nhân sự.

Riêng các mảng dịch vụ kinh doanh, Grab đã hợp tác với nhiều “ông lớn” công nghệ, như Amazon, Tencent, nhằm thúc đẩy doanh thu. Tháng 2/2023, Grab bắt đầu cung cấp dữ liệu bản đồ cho khách hàng của Amazon Web Services - dịch vụ điện toán đám mây của Amazon.

Trước đây, Grab tập trung vào việc thu hút khách hàng và tăng tỷ lệ sử dụng thông qua các chiến dịch quảng cáo lớn. Giờ đây, công ty này chuyển hướng một phần chiến lược nhằm đạt lợi nhuận nhanh hơn.

Trở lại với Be, để đạt được mục tiêu có lãi trước thuế trong năm tài chính 2024, công ty này phải làm nhiều việc.

Sau 5 năm phát triển, nền tảng Be hiện có hơn 300.000 tài xế. Chỉ riêng trong năm 2023, Be vận hành 120 triệu chuyến đi phục vụ người dùng Việt Nam. Đến nay, Be đã mở rộng hoạt động đến 40 tỉnh, thành phố và nắm giữ 35% thị phần chỉ riêng trong lĩnh vực gọi xe công nghệ.

Tham vọng của Be Group là phục vụ 20 triệu người dân Việt Nam trong tất cả nhu cầu dịch vụ cuộc sống hàng ngày, từ đi lại, ăn uống, giải trí và sức khỏe…

Dải dịch vụ không ngừng được mở rộng chỉ trong 5 năm qua. Chiến lược của Công ty là chọn các đối tác chiến lược hàng đầu thị trường trong từng mảng dịch vụ.

Giai đoạn 2024 - 2026, Be Group dự kiến tăng tốc khai thác các dịch vụ mới để “may đo” theo nhu cầu khách hàng, với mục tiêu phục vụ hơn 1 tỷ chuyến đi và đơn hàng tới người dùng Việt Nam.

Chiến lược khác biệt

Việc tham gia của một doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghệ, bán lẻ là cuộc đua không cân xứng về nguồn lực, kinh nghiệm với các đối thủ toàn cầu có nguồn lực mạnh gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

Do đó, để tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian ngắn, Be Group áp dụng rất nhiều chiến lược mang tính địa phương và tối ưu hoá tối đa.

Điển hình, nhân sự chủ chốt của Be hoàn toàn là người Việt. Đây là những người đã làm việc tại các tập đoàn quốc tế, tập đoàn lớn của Việt Nam.

Về tổ chức, đội ngũ được tổ chức theo mô hình có tính độc lập tự chủ cao nhất nhằm đáp ứng đặc thù dải sản phẩm cực kỳ phức tạp và quy mô giao dịch rất lớn của nền tảng Be.

Mặc dù vậy, đại diện Be thừa nhận, nhiều giải pháp công nghệ hay kinh doanh cần thực hiện, nhưng khó vì yêu cầu chi phí giới hạn và cũng phải tự nghiên cứu phát triển, như giải pháp phát chuyển linh hoạt, giải pháp bản đồ địa phương, giải pháp dự đoán cung - cầu thông minh thông qua ứng dụng data, máy học, giải pháp tạo phễu thu hút khách hàng chi phí thấp…

Thực tế đó buộc Be phải hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. “Tất cả kế hoạch đều mất rất nhiều thời gian, công sức để hiện thực hóa, do đó đều không dễ làm và dễ bị gián đoạn giữa chừng. Chúng tôi thấy rõ rằng, chiến lược hợp tác tuy mất nhiều thời gian, công sức, nhưng là hướng đi đúng đắn và chúng tôi có nhiều kế hoạch cùng đồng hành để cho ra sản phẩm mới trong những năm tới”, đại diện Be cho biết.

Xem thêm tại baodautu.vn