Becamex IDC bị xử phạt vì công bố thông tin sai lệch

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có Quyết định số 1447/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã BCM - sàn HoSE).

Trong đó, phạt 150 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin sai lệch về tình hình sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu BCMH2328001.

Becamex IDC bị xử phạt khi công bố thông tin sai lệch.

Cụ thể, theo Công văn số 1157/2024/CV/IDC-BQLPTV ngày 28/10/2024 của Becamex IDC, tại thời điểm 30/06/2024, số tiền hơn 6,5 tỷ đồng được sử dụng đúng theo mục đích phát hành, số tiền chưa sử dụng của gói trái phiếu BCMH2328001 là hơn 147,69 tỷ đồng được gửi tại tài khoản tiền gửi ngân hàng (tổng cộng hơn 154,2 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tại Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ từ ngày 01/01/2024 - 30/06/2024, số tiền 154,2 tỷ đồng này được ghi nhận tạm thời sử dụng cho dự án khác.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi công bố thông tin sai lệch đối với Becamex IDC.

Becamex IDC được thành lập năm 1976, hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm Phát triển và kinh doanh các khu công nghiệp và đô thị; Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; Phát triển đô thị và dịch vụ; Phát triển nhà ở xã hội; Đầu tư phát triển giáo dục - y tế; Phát triển thành phố thông minh (Smart city) …

Về sức khỏe tài chính, giai đoạn 2019-2023, Becamex IDC có 3 năm đạt lợi nhuận sau thuế trên 2.100 tỷ đồng. Năm 2023, doanh nghiệp đạt doanh thu 7.883 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.280 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 32% so với năm trước. Công ty cũng hoàn thành vượt 1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong 9 tháng năm 2024, Becamex IDC đạt doanh thu 3.212 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 769 tỷ đồng (gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước).

Do đặc thù phát triển nhiều dự án cùng lúc nên trong thời gian qua, tổng công ty tăng nợ vay tài chính, đáp ứng nguồn vốn đầu tư các dự án. Tuy nhiên, cơ cấu vốn cũng được duy trì ổn định trong 5 năm, nợ vay tài chính dài hạn luôn cao hơn nợ vay tài chính ngắn hạn.

Tại ngày 30/9, doanh nghiệp cũng có 20.665 tỷ đồng nợ vay tài chính, tăng 5% so với cuối năm trước. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,02 lần.

Công ty cũng có lượng hàng tồn kho lớn qua các năm nhưng đang giảm dần so với tổng tài sản. Giai đoạn 2019-2022, tồn kho trên 20.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 40-50% tổng tài sản. Năm 2023, tồn kho về dưới mức trên, đạt 19.834 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản.

Trong 9 tháng, tồn kho ghi nhận 20.903 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản. Phần lớn trong hàng tồn kho là chi phí xây dựng dở dang của các dự án, gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, các chi phí phải trả để có được quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các chi phí khác có liên quan đến dự án.

Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn