Becamex IDC chốt giá khởi điểm, thị trường chứng khoán đón 'bom tấn' tỷ USD?

Sắp diễn ra thương vụ huy động vốn lớn nhất lịch sử

Mới đây, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, HoSE: BCM) đã thông báo chào bán 300 triệu cổ phiếu phổ thông ra công chúng theo phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE).

Mức giá khởi điểm mà đại gia bất động sản này đưa ra là 69.600 đồng/cp, tương đương mức giá hiện nay của cổ phiếu BCM trên thị trường chứng khoán. Nếu cuộc đấu giá diễn ra thành công, Becamex IDC có thể thu về ít nhất 20.880 tỷ đồng và biến đây trở thành một trong những thương vụ chào bán công khai lớn nhất trong lịch sử thị trường vốn Việt Nam.

Becamex IDC chốt mức khởi điểm 69.600 đồng/cp cho thương vụ đấu giá lịch sử

Thương vụ “bom tấn” này do Công ty CP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) tư vấn, dự kiến được thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày 3/2/2025 - ngày giấy chứng nhận đăng ký chào bán có hiệu lực. Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có nhu cầu.

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 7/2/2025, room ngoại của Becamex IDC còn trống 31,77%, tương đương hơn 330 triệu cổ phiếu. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể tham gia giao dịch.

Theo bản cáo bạch chào bán cổ phiếu, tính đến ngày 5/11/2024, cơ cấu cổ đông của Becamex IDC khá “cô đặc” khi UBND tỉnh Bình Dương - cổ đông lớn nhất nắm giữ tới 95,44% vốn. Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 426 phê duyệt giảm vốn nhà nước tại Becamex từ 95,44% về 65% đến cuối năm 2025. Đây là cơ sở để cổ đông Nhà nước bán vốn và giảm sở hữu tại doanh nghiệp.

Như vậy, trong phi vụ bán đấu giá 300 triệu cổ phiếu BCM tới đây, nếu không có sự tham gia của cổ đông Nhà nước và Becamex IDC có thể chào bán hết số lượng cổ phiếu mục tiêu, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp này sẽ giảm xuống mức 73,99%.

Về phương án sử dụng vốn, với tổng giá trị huy động vốn ban đầu là 15.000 tỷ đồng, Becamex IDC dự kiến sử dụng 6.300 tỷ đồng để đầu tư dự án, bao gồm 2.800 tỷ đồng cho khu công nghiệp Cây Trường và 3.500 tỷ đồng cho khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng. Doanh nghiệp cũng muốn dành 3.634 tỷ đồng để tăng vốn góp vào 5 công ty (Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP), Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex Bình Phước, Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện Becamex – VSIP (BVP), Công ty CP Giải pháp Năng lượng Thông minh Việt Nam – Singapore (VSSES) và Công ty CP Becamex Bình Định). Ngoài ra, Becamex sẽ dành 5.066 tỷ đồng để tái cấu trúc tài chính, cụ thể là trả nợ trái phiếu và nợ ngân hàng.

Cũng theo bản cáo bạch của Becamex IDC, việc sử dụng vốn sẽ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho đầu tư dự án, sau đó tới góp tăng vốn cho các công ty hiện hữu và cuối cùng là tái cấu trúc tài chính. Trong trường hợp tổng số tiền thu được lớn hơn 15.000 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ phân bổ số tiền tăng thêm để bổ sung vốn lưu động và báo cáo chi tiết cho cổ đông tại kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất.

Những “vết gợn”

Thương vụ “bom tấn” của Becamex IDC được thực hiện trong bối cảnh thị trường bất động sản khu công nghiệp đang đứng trước cơ hội hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất ngày càng trở nên mạnh mẽ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Becamex IDC là một trong những nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam

Cần biết, Becamex IDC là một trong những nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam với quy mô tài sản lên tới 28.441 tỷ đồng, chỉ đứng sau Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HoSE: KBC). Với 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 4.700 ha đang trực tiếp vận hành, doanh nghiệp này đang chiếm 30% thị phần cấp tỉnh và lớn thứ ba tại Việt Nam với 3,6% thị phần toàn quốc. Ngoài ra, Becamex IDC còn nắm giữ 49% của VSIP – đơn vị phát triển khu công nghiệp và đô thị tích hợp hàng đầu Việt Nam, với 12 dự án trải dài khắp cả nước và tổng diện tích hơn 10.000 ha.

Thực tế, nhu cầu cải thiện và giá đất khu công nghiệp gia tăng đã giúp Becamex IDC có sự cải thiện về kết quả kinh doanh. Năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận hơn 5.195 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 34% so với năm 2023. Tuy nhiên, với đóng góp tích cực từ các công ty liên doanh, liên kết, lợi nhuận sau thuế của Becamex IDC vẫn tăng nhẹ, đạt 2.310 tỷ đồng, đưa doanh nghiệp lọt top ba “đại gia” bất động sản” báo lãi cao nhất trong năm 2024.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, bất ổn kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Becamex IDC, khi nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp có nguy cơ chững lại và tiến độ triển khai các dự án mới có thể bị chậm trễ. Đáng chú ý, doanh nghiệp này cũng đang duy trì tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức cao.

Mặt khác, dù sở hữu nhiều lợi thế nhưng hai đợt chào bán cổ phần lần đầu tiên ra công chúng của Becamex IDC trước đó đều không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Cụ thể, đợt chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) vào ngày 1/12/2017, doanh nghiệp đã thất bại nặng nề khi chỉ bán được 19 triệu cổ phần, chiếm 6,1% trong tổng số hơn 311,2 triệu cổ phần ra đấu giá. Ngày 3/1/2018, trong đợt chào bán ra công chúng lần thứ hai, cổ phiếu BCM tiếp tục “ế ẩm” khi chỉ có 5,1 triệu đơn vị trong tổng số 296,46 triệu cổ phiếu được hấp thụ.

Điều này đặt ra câu hỏi lớn rằng, liệu thương vụ của Becamex IDC có thể trở thành “bom tấn” hay không, khi thị trường chứng khoán đang ở trong trạng thái ảm đạm với thanh khoản giảm về mức thấp nhất hai năm.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn