Beton 6 (BT6) muốn phát hành cổ phiếu để khắc phục khoản vốn chủ âm gần 1.000 tỷ đồng
CTCP Beton 6 (Mã: BT6) vừa có văn bản giải trình và đưa ra phương án khắc phục với cổ phiếu BT6 bị duy trì diện hạn chế giao dịch.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Beton 6 bị thua lỗ kéo dài từ năm 2017, dẫn đến vốn chủ sở hữu của công ty bắt đầu âm từ năm 2019 kéo dài đến 6 tháng đầu năm 2024.
Năm 2017, Beton 6 cho hay bắt đầu thua lỗ do một số dự án lớn của công ty đã ký bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, số lượng đơn hàng xây dựng sụt giảm dẫn đến công ty gặp khó khăn từ nguồn tài chính do nợ đọng lớn từ các khách hàng.
Việc thiếu hụt nguồn vốn dẫn đến công ty không thể thanh toán đúng hạn các khoản lãi vay, tiền nợ gốc vay, làm cho chi phí lãi vay ngày càng tăng cao do phát sinh thêm các khoản lãi phạt chậm thanh toán.
Năm 2020, công ty rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán dẫn đến việc nộp đơn phá sản, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Beton 6 số 01/2020/QĐ-MTTPS ngày 16/1/2020.
Tiếp theo, đại dịch COVID-19 năm 2020 - 2021, công ty phải tạm ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu sụt giảm và tiếp tục lỗ trong hai năm liên tiếp này.
Từ năm 2022 đến nay, tình hình kinh tế khó khăn, tác động xấu đến ngành bất động sản cũng như ngành vật liệu xây dựng.
Beton 6 tồn đọng các khoản nợ từ các khách hàng kéo dài trong suốt nhiều năm và quá thời hạn thanh toán, trong đó nhiều khách hàng đã phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động, dẫn đến việc bắt buộc Beton 6 phải tiến hành trích lập dự phòng theo quy định, làm tăng chi phí dự phòng phải thu nợ khó đòi của Beton 6 dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 965 tỷ đồng tính tới ngày 30/6 năm nay.
Về phương án khắc phục, Beton 6 cho biết đang trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh theo nghị quyết hội nghị chủ nợ ngày 23/8/2023 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương.
Công ty sẽ thực hiện chuyển nợ thành vốn cổ phần thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, từ đó giảm áp lực lãi vay, tăng vốn điều lệ của công ty lên, để không còn âm vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, công ty cần thực hiện tháo gỡ đình chỉ giao dịch cổ phiếu BT6, để có thể triển khai phương án phát hành cổ phần thực hiện hoán đổi nợ nêu trên.
Tại ngày 30/6, Beton ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 1.367 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ ngắn hạn cũng vượt tài sản ngắn hạn 1.098 tỷ đồng. Những vấn đề này khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Công ty còn hơn 11 tỷ tiền mặt. Dư nợ vay tại ngày 30/9 là 350 tỷ đồng, đều là ngắn hạn và chủ yếu là vay từ cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh là chủ nợ lớn nhất với khoản vay 283 tỷ cuối tháng 6. Khoản vay của bà Lan Anh không có tài sản đảm bảo, lãi suất 12%/năm.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính soát xét bán niên, 283 tỷ dư nợ này đều là khoản nợ ngân hàng bao gồm cả gốc và lãi của Beton 6 với các ngân hàng được chuyển giao cho bà Lan Anh quản lý thu hồi nợ. Công ty không có khả năng trả được các khoản vay ngắn hạn do đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa có luồng tiền để thanh toán.
Trong đó, thuyết minh cũng nêu rõ, Beton 6 có khoản vay quá hạn thanh toán gần 64 tỷ đồng với Vietcombank. đây là khoản vay để bổ sung vốn lưu động, được đảm bảo bằng các khoản phải thu khách hàng và tài sản cố định.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm nay, công ty đạt gần 24 tỷ doanh thu thuần, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 60% mục tiêu năm. Gánh nặng từ chi phí lãi vay khiến Beton 6 lỗ ròng 48 tỷ đồng nửa đầu năm, cùng kỳ năm ngoái lỗ 36 tỷ.
Năm 2024, công ty thực hiện kế hoạch kinh doanh 5 năm lần thứ nhất giai đoạn 2024 - 2028, theo phương án phục hồi kinh doanh đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương công nhận.
Ngoài ra, năm nay, công ty thực hiện việc quyết toán thuế giai đoạn 2018 - 2022 và hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Việc quyết toán thuế đã giúp công ty gỡ các hạn chế hóa đơn, không phải chịu mức thuế suất 18% làm ảnh hưởng đến chi phí và giá thành từ đó chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh và mở rộng phạm vi khách hàng.
Một trong những đơn vị xây dựng niêm yết đầu tiên trên sàn
Beton 6 tiền thân là công trường đúc đà tiền áp Châu Thới thuộc Công ty RMK của Mỹ, chuyên sản xuất các loại cấu kiện bê tông cốt thép cầu đường tại Miền Nam Việt Nam, thành lập năm 1958.
Năm 1975, doanh nghiệp được Bộ Giao thông Vận tải tiếp quản, trong quá trình hoạt động đổi tên thành Công ty Bê tông 620 Châu Thới, trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình 6 (Cienco 6).
Năm 2000, công ty tiến hành cổ phần hoá. Năm 2002 trở thành một trong những đơn vị đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên HOSE.
Năm 2010 công ty chính thức đổi sang tên CTCP Beton 6 và đây cũng là giai đoạn đỉnh cao của công ty này với mức lợi nhuận trên 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến cuối năm 2015, Beton 6 tiến hành hủy niêm yết gần 33 triệu cổ phiếu với lý do tập trung việc cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Năm 2017, Beton 6 quay trở lại giao dịch trên sàn UPCoM.
Hiện công ty có vốn điều lệ 330 tỷ đồng. Thông tin từ báo cáo quản trị bán niên,CTCP Thiết bị Xây dựng An Phong - đơn vị do ông Trần Hữu Huy - thành viên HĐQT của Beton 6 làm Tổng Giám đốc, sở hữu 19,2% vốn của Beton 6.
Ông Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch HĐQT nắm 6,67% vốn Beton 6, ông Trần Hữu Huy - thành viên HĐQT và ông Đinh Xuân Huy - thành viên HĐQT cùngcó 4,3% cổ phần. Ngoài ra, bà Trần Mai Thuỷ - Trưởng Ban Kiểm soát nắm 4,35% vốn tại đây.
Xem thêm tại vietnambiz.vn