Bị hại xin cho Trịnh Văn Quyết về tiếp tục sản xuất kinh doanh, để cổ phiếu ‘nhóm’ FLC được giao dịch lại

Sáng 24/7, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, cùng 49 đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo và những người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Tại phiên tòa, ông V.X.H. (SN 1963, trú tại Quận Long Biên, TP Hà Nội) trình bày mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros từ khoảng năm 2018-2019, hiện ông còn nắm giữ 1.300 cổ phiếu. Thời điểm đó, ông tự tìm hiểu thông tin để mua cổ phiếu với mục đích kiếm lợi nhuận và không biết gì về bị cáo Trịnh Văn Quyết.

"Cổ phiếu hiện tôi vẫn nắm giữ, chưa có thiệt hại. Do đó, tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh Quyết để anh ấy về tiếp tục sản xuất kinh doanh. Qua đó, cổ phiếu chúng tôi lại tiếp tục được giao dịch trên sàn chứng khoán để kiếm thêm lợi nhuận"- ông H. trình bày.

Tương tự, một bị hại khác cũng mong muốn Hội đồng xét xử sớm giải quyết vụ án, để cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết về giải quyết hậu quả của vụ án. Bởi theo bị hại này, bị cáo Trịnh Văn Quyết là người gây ra hậu quả thì "anh Quyết sẽ là người giải quyết hiệu quả nhất".

Trong khi đó, anh V.T.N. (trú tại Quận 10 TP HCM) trình bày đang nắm giữ 200.000 cổ phiếu ROS, đến nay rất khó giao dịch. Bị hại này mong muốn được đền bù tổn thất tinh thần cũng như vật chất bằng cách cho giao dịch lại mã cố phiếu ROS hoặc đền bù bằng số tiền nhà đầu tư đã mua cổ phiếu.

Ông L.Q.H. (50 tuổi, trú tại Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) nói bản thân đã mua 150.000 cổ phiếu ROS, ở nhiều thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, bản thân ông không được xem xét là bị hại mà chỉ là người liên quan. Ông H. mong muốn Hội đồng xét xử xác định lại, coi tất cả những cổ đông, người đang nắm giữ cổ phiếu ROS là bị hại.

"Trong phiên tòa, ông Trịnh Văn Quyết đã khai mong muốn dùng tài sản của mình để khắc phục hậu quả của vụ án. Vậy hãy để ông Quyết dùng tài sản mình để mua lại cổ phiếu của những cổ đông không còn muốn tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp nữa"- ông H. đề nghị.

Trước đó, bà Lê Thị Ngọc Diệp - vợ ông Quyết đã có đơn gửi tới Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân TP Hà Nội về việc nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

Trong đơn, bà Diệp cho biết, theo mong muốn, nguyện vọng của chồng tôi – anh Trịnh Văn Quyết về việc khắc phục toàn bộ hậu quả của cụ án, gia đình chúng tôi đã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè tối đa để nộp tiền khắc phục hậu quả ở mức cao nhất. Đến nay gia đình chúng tôi đã vay mượn, huy động thêm được số tiền 25,1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.

Luật sư bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết cho hay, đến nay ông Quyết vẫn luôn giữ nguyên nguyện vọng yêu cầu các luật sư khi bào chữa không đưa nội dung mang tính chất phản biện, phủ nhận trực tiếp đối với các hành vi của cựu Chủ tịch FLC đã được xác định tại kết luận điều tra và cáo trạng. Ông Quyết chỉ đề đạt nguyện vọng các luật sư tập trung trình bày các lý do khách quan, đề xuất áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để được hưởng sự khoan hồng. Ngay cả trong thời gian tạm giam, ông Quyết và gia đình luôn cố gắng khắc phục hậu quả của vụ án.

Theo luật sư, thực tế chỉ tính riêng tài sản là cổ phiếu và tiền mặt tại các tài khoản chứng khoán đã bị phong toả, ông Quyết có hơn 13 tỷ đồng tiền mặt và 1,5 tỷ cổ phiếu các loại (FLC, ROS, ART, GAB...) với tổng giá trị tính theo giá đóng cửa tại thời điểm bị phong tỏa là khoảng 4.800 tỷ đồng.

Theo đó, nếu được tạo điều kiện cho việc mở phong tỏa, thực hiện thanh lý tài sản sớm thì ngay cả trong trường hợp Hội đồng xét xử xác định hơn 3.600 tỷ đồng là tiền hưởng lợi không ngay tình, thì ông Quyết cũng đã có thể nộp toàn bộ vào ngân sách.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn