Bị khối ngoại bán ròng ròng rã, ông lớn ngành sữa Vinamilk 'đánh rơi' vị trí TOP10 cổ phiếu giá trị nhất thị trường chứng khoán
Chứng khoán Việt Nam ghi nhận biến động giảm sốc phiên đầu tuần. Áp lực từ nhóm vốn hóa lớn khiến chỉ số có thời điểm mất hơn 40 điểm cuối phiên sáng. Tâm lý dần ổn định trong phiên chiều giúp VN-Index có cú "rút chân" ngoạn mục để đóng cửa phiên 18/3 với mức giảm 20,22 điểm (-1,6%) xuống 1.243 điểm. Trong phiên hoảng loạn của thị trường, cổ phiếu VNM của Vinamilk tiếp tục là tâm điểm quan tâm của những nhà đầu tư giá trị.
Giấc mơ nâng hạng và những kỳ vọng vào cổ phiếu “vua” sữa
Trong một báo cáo vào đầu tháng 3, Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng nâng hạng thị trường thành công trong năm 2025, sẽ là yếu tố quan trọng giúp góp phần cải thiện dòng tiền đối với các cổ phiếu có vốn hóa lớn như VNM. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn còn ở tương lai và mức độ tác động của việc nâng hạng đối với dòng tiền ngoại vào Việt Nam vẫn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
BSC cũng đánh giá cao khả năng tăng trưởng của Vinamilk trong năm 2024 dựa trên giả định, nhu cầu tiêu dùng hồi phục, thị phần nội địa được cải thiện và biên gộp phục hồi nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm.
Trong một báo cáo gần đây, theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Agriseco Research, kết quả kinh doanh của Vinamilk tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2024 nhờ biên gộp duy trì ở mức tốt, chiến lược tái cấu trúc kỳ vọng ảnh hưởng tích cực trong dài hạn và nhu cầu tiêu thụ hồi phục trong năm 2024 - 2025.
Nội chờ - ngoại rút: Sự thất vọng của giới đầu tư
Với nền giá đang loay hoay ở vùng thấp nhất 5 năm của cổ phiếu VNM hiện tại, nhiều nhà đầu tư đặc biệt là những nhà đầu tư theo trường phái tích sản cổ phiếu đang đặt niềm tin lớn vào Vinamilk. Tuy vậy, sau khi lập đỉnh gần 120.000 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh) vào năm 2018, cổ phiếu VNM liên tục giảm dần đều. Mỗi lần vừa bứt phá khỏi vùng 80.000 đồng/cổ phiếu thì VNM lại bị bán mạnh.
Phiên giao dịch hôm nay (18/3), cổ phiếu VNM tiếp tục là một trong những tâm điểm khi giảm 1,3% và về dưới 68.000 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, cổ phiếu VNM thuộc top 5 mã cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên HoSE với giá trị 107 tỷ đồng. Cụ thể, từ đầu tháng 3/2024 đến nay, VNM đã bị khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm 2024 lên mức lớn nhất thị trường. Khối ngoại đã bán ròng 5 tháng liên tiếp cổ phiếu VNM ở vùng giá thấp nhất 5 năm. Áp lực từ khối ngoại là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu VNM chưa thể có một con sóng "dài hơi" dù dòng tiền nội rất nỗ lực đổ vào ông lớn ngành sữa.
Tạm tính tại mức thị giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Vinamilk vào khoảng 141.000 tỷ đồng (~6 tỷ USD), không đủ nằm trong top 10 cổ phiếu giá trị nhất sàn chứng khoán. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao hồi đầu năm 2018 khi "gã khổng lồ" ngành sữa là cái tên giá trị nhất thị trường với vốn hóa hơn 10 tỷ USD.
1.881 tỷ đồng cổ tức sắp chảy về túi cổ đông Vinamilk (VNM)
Xem thêm tại nguoiquansat.vn