Bị phản ứng đề xuất chống phá giá thép HRC Trung Quốc: Tỷ phú Trần Đình Long chính thức lên tiếng
Ông Long cũng nói thêm, “nhìn nhận một cách khách quan công bằng thì không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước. ”.
Dẫn chứng về mặt số liệu, ông Long cho biết, trong năm 2023 tổng sản xuất là 6,7 triệu tần nhưng tổng nhập khẩu là 9.7 triệu tấn. Sang năm 2024, quý I hai đơn vị Hoà Phát và Fomosa sản xuất ra 2 triệu tấn thép cán nóng HRC nhưng nhập khẩu tới 3 triệu tấn.
“Trong quá tình điều tra, việc Hoà Phát và Fomosa khởi kiện là khởi kiện các doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá vào Việt Nam chứ không phải kiện doanh nghiệp trong nước. Quan điểm của chúng tôi là ra cửa ‘công’ chứ không đôi co. Tất cả lý luận của đơn vị nhập khẩu, theo họ nói thì đúng nhưng nếu đúng thì việc gì phải sợ điều tra?", ông Long nói thêm
Tại đại hội, một số cổ đông tỏ ra lo ngại về thép nước ngoài tràn vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của Hoà Phát với sản phẩm thép HRC. Về vấn đề này, ông Long cho biết dù thép nhập khẩu tràn vào thị trường nhưng Hoà Phát vẫn bán hết sản phẩm thép HRC.
“Chúng tôi ưu tiên cho việc bán hàng trong nước rồi mới xuất khẩu. Hàng hoá của Hoà Phát còn có ưu điểm là đảm bảo nguồn gốc xuất xứ nên các doanh nghiệp xuất khẩu sang Châu Âu hay Mỹ, có thể không muốn nhưng vẫn phải mua. Đây là lợi thế của chúng tôi”, ông Long nói.
Liên quan đến việc khởi kiện bán phá giá HRC Trung QUốc, ngày 10/4, 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam có tổng sản lượng sản xuất tôn mạ chiếm 85% thị phần ngành tôn mạ tại Việt Nam đã tiếp tục gửi công văn lần 3 lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan khẳng định: “Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của không đủ tư cách pháp lý để nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc”.
Nhóm 12 doanh nghiệp đẫn số liệu của Hải quan cho biết trong giai đoạn từ năm 2019 đến cuối tháng 2/2024, 5 công ty con của Hoà Phát nhập khẩu HRC từ Trung Quốc. Trong đó, lượng nhập khẩu năm ngoái đạt 305.000 tấn, gấp nhiều lần so với năm 2022.
Dữ liệu Hải quan nhập khẩu cho thấy, 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu các mác thép HRC từ Trung Quốc, mà các mác thép HRC này hoàn toàn nằm trong năng lực sản xuất của Tập đoàn Hòa Phát, cũng như Tập đoàn Hòa Phát đang bán các mác thép HRC này tại cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu .
“Như vậy, Tập đoàn Hòa Phát có sản xuất và bán nội địa, bán xuất khẩu các mác thép HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn 1/1/2019 - 29/02/2024”, các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép cho biết.
Tập đoàn Hòa Phát hoặc các công ty con đang làm đồng thời 5 việc: (1) nhập khẩu HRC từ Trung Quốc; (2) nộp đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá chính sản phẩm HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang nhập khẩu từ Trung Quốc; (3) sản xuất HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang nhập khẩu từ Trung Quốc; (4) bán HRC tại thị trường nội địa; (5) bán HRC tại thị trường xuất khẩu.
“Trong bối cảnh cung HRC nội địa đang chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu HRC của toàn Việt Nam, thì rõ ràng có sự tự xung đột giữa 5 việc Tập đoàn Hòa Phát hoặc các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang thực hiện nêu trên” nhóm doanh nghiệp nhận định.
Ngoài ra, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam cho rằng Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con không đủ điều kiện làm nguyên đơn trong việc nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp dẫn quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14 khẳng định Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát không đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn