BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ lên 70,6 nghìn tỷ đồng

Ngày 27/4/2024, tại Hà Nội, BIDV tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 để xem xét và thống nhất thông qua các nội dung quan trọng như: Báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT năm 2023 và trọng tâm hoạt động năm 2024; Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, kế hoạch kinh doanh năm 2024...

Đại hội cũng thông qua các văn kiện quan trọng, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của BIDV nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2024) và phù hợp thực tiễn hoạt động; cụ thể như nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát, Quy chế quản trị nội bộ BIDV.

Đại hội đã thông qua phương án tăng vốn từ chi trả cổ tức, với số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 1.362 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 13.620 tỷ đồng, để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng. Trong đó, số cổ phiếu phát hành để trả cổ tức năm 2022 là 1.197 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 21 cổ phiếu mới), số phát thêm bằng hình thức chào bán riêng lẻ là 164 triệu cổ phiếu.

Nguồn tiền dùng để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận còn lại năm 2022 sau khi trích lập các quỹ là 11.970 tỷ đồng và 1.648 tỷ đồng từ việc phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến khoảng 2,89% vốn điều lệ ở thời điểm 31/12/2023.

BIDV cho biết số cổ phiếu chào bán riêng lẻ áp dụng với đối tượng là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, có thể bao gồm một số cổ đông hiện hữu của BIDV.

Trả lời cổ đông về tiến độ phát hành cổ phiếu riêng lẻ, ông Trần Phương – Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, năm 2023, BIDV đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ khoảng 9% cho nhà đầu tư. Năm 2024, Ngân hàng dự kiến phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu tương đương 2,89% vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2023.

Với kế hoạch này, năm 2024, BIDV đã có kế hoạch phát hành 165 triệu cổ phiếu trong ngắn hạn sau khi được sự phê quyết của cơ quan quản lý nhà nước. Với số còn lại, khoảng 6,11% vốn điều lệ, BIDV sẽ tích cực làm việc với các nhà đầu tư trong nước, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước trước khi xin ý kiến tại ĐHĐCĐ.

“Tùy theo mức độ thuận lợi thị trường, nếu các nhà đầu tư đánh giá tích cực về năng lực, triển vọng kinh doanh của BIDV, có thể các nhà đầu tư sẽ triển khai ngay việc mua phần cổ phiếu tương đương 2,89% vốn điều lệ trong năm nay. Nếu tốt hơn nữa thì từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai phương án phát hành thêm”, ông Phương chia sẻ tại Đại hội.

Đồng thời, ông Phương cũng kỳ vọng thị trường sẽ có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, sự ấm lên của thị trường bất động sản sẽ tác động tích cực tới kết quả kinh doanh của BIDV, cũng như giá cổ phiếu BID của ngân hàng.

Theo báo cáo của Ban Giám đốc BIDV, đến hết quý I/2024, kết quả kinh doanh khối ngân hàng thương mại của BIDV khả quan, bám sát kế hoạch đề ra. Tổng tài sản đạt trên 2,28 triệu tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; Huy động vốn đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng; Lợi nhuận trước thuế đạt trên 7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn