BIDV và Vietcombank bán vốn: Thương vụ lớn được chờ đợi trong 2024
Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu ở 2 ngành, trong đó bao gồm ngành ngân hàng – nhóm ngành được các nhà đầu tư rất quan tâm trong những ngày gần đây.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng TMCP ngay từ đầu năm 2024. Theo Vietcap, con số 15% là tương đối lạc quan, tuy nhiên lại phản ánh sự hỗ trợ tăng trưởng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan quản lý.
Với việc được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, các ngân hàng TMCP sẽ linh hoạt hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong năm 2024. Vietcap dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ có chất lượng tốt hơn năm 2023, không bị dồn nén, tăng đột biến vào thời điểm cuối năm như đã xảy ra trong năm vừa qua.
Trong đó, quý I là thường là thời điểm tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với các quý khác trong năm.
Theo Vietcap, chi phí huy động vốn đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Tình trạng này sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận ròng của các ngân hàng TMCP khi mà chi phí huy động vốn đã giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Về các thu nhập ngoài lãi, Vietcap cho rằng thu nhập từ bán bảo hiểm trong năm 2024 sẽ cải thiện hơn năm 2023 sau những cuộc thanh tra của Bộ Tài chính và sự chấn chỉnh của Ngân hàng Nhà nước. Sự cải thiện này dù không quá mạnh mẽ nhưng cũng sẽ đóng góp cho phần thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng TMCP.
Chất lượng nợ xấu của các ngành ngân hàng cũng sẽ cải thiện so với năm 2023, tuy nhiên tốc độ cải thiện khá chậm, không đột biến và sẽ song hành với sự phục hồi của nền kinh tế.
“Mặc dù chất lượng tài sản vẫn gặp thách thức sau đại dịch Covid-19, chúng tôi cho rằng các ngân hàng có thể giải quyết nợ xấu mà không khiến lợi nhuận sụt giảm đáng kể. Điều này được hỗ trợ bởi lãi suất thấp và các quy định mới ban hàng trong năm 2023 về cơ chế gia hạn cho các ngân hàng giải quyết nợ xấu”, chuyên gia của Vietcap cho hay.
Được biết, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu, giãn, hoãn nợ sẽ hết hiệu lực từ tháng 7/2024. Nhiều nhà đầu tư lo lắng điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tài sản của các ngân hàng trong giai đoạn cuối năm 2024.
Theo Vietcap, kể từ khi Thông tư 02 được ban hành vào cuối tháng 4/2023 cho đến khi thông tư này hết hiệu lực, các ngân hàng và doanh nghiệp đã có đủ thời gian để chuẩn bị. Trong đó, doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị nguồn tiền trả nợ, ngân hàng có thời gian để trích lập dự phòng các khoản nợ xấu.
“Thông tư 02 khi hết hiệu lực có thể ảnh hưởng tới 1 số doanh nghiệp như các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, dù sự ảnh hưởng là có nhưng sẽ không có tình trạng nợ xấu tăng đột biến trong năm 2024”, chuyên gia Vietcap nhận định.
Một trong những điểm sáng của ngành ngân hàng năm 2024 được Vietcap đề cập tới là hoạt động huy động vốn, đặc biệt là thương vụ bán vốn của 2 nhà băng quốc doanh là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Theo đó, ban lãnh đạo của 2 nhà băng này đã đề cập tới thương vụ này từ năm 2022, tuy nhiên trong năm 2023 vẫn chưa thực hiện được. Cụ thể, BIDV đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu. Còn Vietcombank lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Vietcap cho rằng nguyên nhân khiến 2 ngân hàng này chưa thực hiện được việc bán vốn là do điều kiện kinh tế năm 2023 chưa cho phép. Với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong năm 2024, cộng thêm môi trường lãi suất thấp, Vietcap kỳ vọng hoạt động huy động vốn từ phát hành cổ phiếu có thể thành công.
Trong đó, giá bán kỳ vọng cho thương vụ của Vietcombank là 100.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 8,7% so với thị giá của cổ phiếu VCB. Giá bán kỳ vọng cho thương vụ của BIDV là 49.000 - 50.000 đồng/cổ phiếu, khá tương đồng với thị giá của cổ phiếu BID.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn