Biệt thự trong danh mục bảo tồn 38-40 Lê Thái Tổ của Hapro: Gian nan đường chuyển nhượng đất vàng

Những ngày gần đây, thông tin về ngôi biệt thự cổ số 49 trần Hưng Đạo – 46 Hàng Bài, Hà Nội chuẩn bị mở cửa đón du khách tham quan sau 2 năm trùng tu đã khiến nhiều người quan tâm.

Nhà số 38 Lý Thái Tổ: Nơi ký hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946

Nhắc tới các căn nhà mang dấu tích lịch sử tại Hà Nội, người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, nhiều người vẫn luôn nhớ tới căn nhà số 38-40 Lý Thái Tổ - nơi diễn ra sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp: Ký kết hiệp định sơ bộ 6/3/1946.

Thời điểm đó, sách lược “hòa để tiến” đã được Trung ương và Bác Hồ chỉ đạo, thể hiện xuyên suốt trong quá trình đàm phán và ký kết hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

Nhà số 38 Lê Thái Tổ

Năm 2008, Hà Nội công bố Nghị quyết về đề án quản lý nhà biệt thự trên địa bàn thành phố, trong đó ghi nhận đưa vào danh sách 42 biệt thự không được bán, và 46 biệt thự do thành phố quản lý, doanh nghiệp được thuê, không bán.

Trong danh sách 46 biệt thự do thành phố quản lý, có địa chỉ 38-40 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo mô tả, lô đất có diện tích cả biển là 682,62m2 và diện tích sử dụng là 691,4m2. Đây là căn nhà do Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) quản lý.

Hapro là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Sau cổ phần hóa, loạt lô đất tiếp tục được giao cho Hapro quản lý, sử dụng. Ví dụ đất vàng số 5 Lê Duẩn, từ chứng tích lịch sử thời bao cấp, cửa hàng Bách hóa số 5, đến một siêu thị Hapromart hiện đại, và dự án TTTM quy mô 9 tầng. Tuy vậy, bằng một hợp đồng hợp tác, lô đất vàng đã “về tay” Tập đoàn DOJI, điều chỉnh quy hoạch thành tòa nhà kim cương Doji Tower – trung tâm vàng bạc có tiếng của Việt Nam.

Kịch bản khác với tòa nhà kim cương, “đất vàng" 38-40 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội lại mang theo mình câu chuyện khác, câu chuyện của những biệt thự cổ.

Lô đất số 30-40 Lê Thái Tổ gồm 2 khối nhà: Khối nhà 2 tầng và khối nhà phía trong 6 tầng. Khu đất có diện tích 571,51m2, diện tích sàn xây dựng 2.237,11m2. Khối nhà 2 tầng (diện tích 251,49m2) là nhà thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm.

Tháng 6/2011, theo phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất thuộc Hapro, Tổng công ty được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, tiếp tục sử dụng và ký hợp đồng thuê nhà, đất tại số 38-40 Lê Thái Tổ với Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội để phục vụ hoạt động SXKD.

Con đường chuyển nhượng “đất vàng” trong danh mục nhà được bảo tồn

Căn cứ nhu cầu sử dụng, tháng 10/2014, Hapro gửi văn bản, đề xuất được mua tài sản trên đất và xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 38-40 Lê Thái Tổ.

Trên cơ sở xem xét đề xuất của liên ngành, tháng 11/2014, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước tại 38-40 Lê Thái Tổ cho Hapro.

Đến tháng 4/2015, UBND thành phố có quyết định chấp thuận việc bán 796,92m2 nhà chuyên dùng, và chuyển nhượng quyền sử dụng 571,51m2 đất thuộc sở hữu Nhà nước tại 38-40 Lê Thái Tổ cho Hapro để sử dụng làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ theo giá bán hơn 38,5 tỷ đồng (giá trị quyền sử dụng đất là 36,49 tỷ đồng và giá trị tài sản trên đất hơn 2,01 tỷ đồng). Thời hạn sử dụng 50 năm từ ngày 9/3/2015.

- Hapro đã nộp đủ số tiền hơn 38,5 tỷ đồng này vào ngân sách thành phố cùng ngày 9/3/2015.

Nói về số tiền nộp ngân sách để mua nhà đất này, quay trở lại trước đó, vào tháng 8/2014, khi còn chưa được UBND thành phố chấp thuận, Hapro và Công ty TNHH Xây dựng và đầu tư dịch vụ Thương mại Hồng Ngọc đã ký hợp đồng đặt cọc số 11/2014. Theo nội dung cọc, Hồng Ngọc đã thanh toán cho Hapro số tiền 49 tỷ đồng (trong đó tiền cọc 15 tỷ và 34 tỷ đồng tạm ứng thanh toán đợt 1). Ngoài ra Hồng Ngọc tạm ứng thêm cho Hapro số tiền hơn 38,5 tỷ đồng để nộp tiền mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 38-40 Lê Thái Tổ. Tổng tiền Hồng Ngọc đã đưa cho Hapro là hơn 87,5 tỷ đồng.

- Ngày 22/7/2015, UBND thành phố có quyết định giao 622,5m2 đất tại 38-40 Lê Thái Tổ cho Hapro sử dụng, cùng với công trình đã xây dựng, để làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ.

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tuần sau đó, ngày 30/7/2015, Hapro nhận được văn bản từ UBND thành phố Hà Nội về việc tạm dừng thực hiện quyết định giao đất nói trên. Nguyên nhân được đưa ra là để “xem xét lại quy trình bán nhà”, do số nhà 38-40 Lê Thái Tổ thuộc “Danh mục 46 biệt thự thành phố quản lý: Doanh nghiệp thuê – không bán”.

Cùng với việc dừng giao đất, UBND thành phố giao Thanh tra thành phố thực hiện kiểm tra và báo cáo lại. Sau rà soát, Thanh tra Thành phố có văn bản, đề nghị UBND thành phố:

  1. Thiết lập sở hữu toàn dân đối với phần diện tích khối nhà 2 tầng, mặt phố của số nhà 38-40 Lê Thái Tổ, và thiết lập hợp đồng cho Hapro tiếp tục thuê phần này.
  2. Tách phần diện tích công trình đã xây dựng khối nhà 6 tầng trên diện tích 427,2m2 được Kiến trúc sư trưởng thành phố cấp phép xây dựng và được phê duyệt từ năm 1995 ra khỏi khuôn viên biệt thự 38-40 Lê Thái Tổ; đồng thời lập hồ sơ trình UBND thành phố cho bán diện tích 427,2m2 (đã xây dựng 6 tầng từ năm 1995 này) cho Hapro.

- Tháng 2/2016, UBND thành phố có văn bản, đồng ý về chủ trương theo đề nghị của Thanh tra Thành phố.

- Đến tháng 6/2016, Hapro có công văn, đề nghị UBND thành phố xem xét, cho phép Tổng công ty được tiếp tục thực hiện quyết định tháng 4/2015, chấp thuận việc bán 796,92m2 nhà chuyên dùng và chuyển quyền sử dụng đất 571,51m2 như ban đầu; và quyết định giao đất ngày 22/7/2016 cho Tổng công ty.

Khi Sở xây dựng và liên ngành đang xem xét, báo cáo để đề xuất phương án xử ký, trình UBND thành phố, thì tháng 7/2017, HĐND thành phố có Nghị quyết về việc điều chỉnh danh mục biệt thự theo đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố.

Theo đó, có 20 biệt thự được đưa khỏi danh sách các công trình tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954. Địa chỉ số 38-40 Lê Thái Tổ thuộc danh sách 20 biệt thự đưa ra khỏi danh sách này.

Ngay sau động thái đó, sau khi được UBND thành phố chấp thuận, Hapro có trách nhiệm kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng cọc với công ty Hồng Ngọc (ký từ tháng 8/2014).

Nắm trong tay loạt nhà cổ, công ty quản lý nhà Hà Nội làm ăn ra sao?

Nắm trong tay loạt nhà có vị trí đắc địa, nhiều căn biệt thự thuộc dạng di tích, chứng tích, nhưng tình hình kinh doanh của Công ty TNHH Quản lý và phát triển nhà Hà Nội không mấy sáng sủa.

Mấy năm gần đây, doanh thu của công ty duy trì quanh mức 17 tỷ đồng, lãi tính bằng tiền tỷ. Thời hoàng kim của công ty phải khoảng gần chục năm trước, năm 2016 doanh thu vượt 161 tỷ đồng và lãi sau thuế Trong cơ cấu doanh thu, thu từ bán nhà dự án các năm 2015, 2016 đều hàng trăm tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2016 cũng đạt xấp xỉ 23 tỷ đồng.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn