Bình Phước quy hoạch một loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới
Loạt dự án mới
Nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư, tạo động lực phát triển, Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 8.290 ha khu công nghiệp, 25.864 ha khu kinh tế, 730 ha cụm công nghiệp, suất đầu tư 3 - 3,5 triệu USD/ha; đến năm 2030 phát triển 11.522 ha khu công nghiệp, 25.864 ha khu kinh tế, 1.279 ha cụm công nghiệp, suất đầu tư 3,5 - 4 triệu USD/ha.
Bình Phước ưu tiên phát triển khu công nghiệp quy mô nhỏ có diện tích dưới 500 ha và quy mô vừa diện tích từ 500 ha đến dưới 1.000 ha; không phát triển các khu công nghiệp quá lớn với diện tích trên 1.000 ha. Định hướng đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại, tỉnh tăng cường kêu gọi, kết nối đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.
Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Phước vừa có tờ trình gửi Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương Công ty cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) nghiên cứu, khảo sát phát triển khu công nghiệp và phát triển khu đô thị - dịch vụ tại huyện Đồng Phú.
Dự án Khu công nghiệp VSIP Bình Phước đang đề xuất nghiên cứu có tổng quy mô 2.500 ha. Trong đó, phần khu công nghiệp có diện tích 1.500 ha, phần khu đô thị - dịch vụ có diện tích 1.000 ha. Thời gian triển khai toàn bộ Dự án từ năm 2024 đến 2035.
Các khu công nghiệp khu vực Đông Nam huyện Đồng Phú là loạt dự án lớn trong lộ trình phát triển công nghiệp của Bình Phước. Theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các khu công nghiệp này được quy hoạch với diện tích 4.200 ha.
Tháng 6/2024, trong phê duyệt chỉ tiêu sử dụng đất cho các dự án khu công nghiệp mới đến năm 2025 của UBND tỉnh Bình Phước, loạt khu công nghiệp của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) đã được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất. Theo đó, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú mở rộng được phân bổ 133 ha và Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng được phân bổ 75 ha. Hai dự án này sắp hoàn thiện thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, sẽ là động lực hút đầu tư mới của địa phương.
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Bình Phước nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp Bình Dương, Đồng Nai là các tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh; là cửa ngõ kết nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, quỹ đất dồi dào, chính sách thu hút đầu tư linh hoạt là lợi thế để địa phương này thu hút nhà đầu tư rót vốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia bất động sản nhận định, với việc quỹ đất sạch tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai ngày càng hẹp, thì Bình Phước, Tây Ninh… sẽ là nơi chuyển dịch của đầu tư các khu công nghiệp. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Phước đề cao “nền tảng 4 tốt” (hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt) để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Về hạ tầng giao thông, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo tăng cường kết nối liên vùng, địa phương; phát triển các tuyến cao tốc kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương trong vùng. Cụ thể, các dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành; cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sẽ phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 14, kết nối Vùng Tây Nguyên và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về nhân lực, năm 2024, Bình Phước phấn đấu 43.000 người được giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 67%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì dưới 3%. Về lâu dài, sẽ tăng các mục tiêu về chất lượng lao động trên địa bàn lên cao hơn nữa.
Xem thêm tại baodautu.vn