Biwase đặt mục tiêu có lãi ít nhất 680 tỷ đồng năm nay
Ngày 10/2, CTCP - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase - Mã: BWE) đã tổ chức cuộc gặp gỡ nhà đầu tư để báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2024, triển vọng kinh doanh năm 2025 và chiến lược phát triển dài hạn.
Theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), năm nay, công ty đặt mục tiêu với sản lượng nước thương phẩm là 220 triệu m3, tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu (bao gồm doanh thu nội bộ) kỳ vọng đạt 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tổi thiểu đạt 680 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% về doanh thu và tăng ít nhất 2% về lợi nhuận so với năm ngoái. Kế hoạch cổ tức dự kiến là 13% bằng tiền (1.300 đồng/cp) và dự kiến chia trong quý II/2025.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/screenshot215-2025021211514628.png?width=700)
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.
Trong đó, đối với Biwase Long An - công ty con mà Biwase sở hữu 94% cổ phần, sẽ khởi động dự án tăng công suất nhà máy nước Nhị Thành thêm 60.000 m3/ngày, nâng tổng công suất lên 120.000 m3/ngày, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động chính thức vào quý III/2025; đồng thời mở rộng phạm vi dịch vụ cấp nước đến các huyện Cần Giuộc, Cần Đước (tỉnh Long An); và dự kiến trong giai đoạn từ năm 2027 - 2030, Biwase Long An sẽ đầu tư để tiếp tục tăng công suất lên đến 300.000 m3/ngày.
Tổng vốn đầu tư cho dự án Nhị Thành ước tính là 2.000 tỷ đồng, trong đó 1.000 tỷ đồng được phân bổ riêng cho nhà máy nước. Phần vốn còn lại sẽ dành cho việc xây dựng đường ống dài 22 km, cần thiết do đặc điểm địa lý đặc thù của khu vực.
Ban lãnh đạo Biwase đã nhấn mạnh những thách thức đang diễn ra trong việc cung cấp nước tại tỉnh Long An, chủ yếu do xâm nhập mặn và chất lượng nước ngầm từ các giếng khoan không đảm bảo. Việc tăng giá nước gần đây ở mức 10% tại một số công ty phân phối nước trong tỉnh Long An đã củng cố triển vọng của Biwase Long An.
Đối với Biwase Quảng Bình, dự kiến giai đoạn 2025 - 2030, đơn vị này sẽ nâng công suất nhà máy lên 30.000 m3/ngày đêm, phát triển và mở rộng hệ thống cấp nước cung cấp cho toàn bộ huyện Quảng Trạch và các vùng lân cận.
Đối với đơn vị tại Đồng Nai, CTCP Gia Tân đặt mục tiêu công suất đạt 100.000 m3/ngày vào năm 2025; đối với đơn vị ở Bình Phước, dự kiến tăng công suất giai đoạn 3 của nhà máy nước Chơn Thành từ 30.000 lên 60.000 m3/ngày đêm. Trong đó, vốn đầu tư dự kiến 120 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý I/2025; đối với đơn vị Cần Thơ, xây dựng nhà máy nước Sài Gòn – Mê Kông với công suất 50.000 m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý II/2025.
Riêng tại tỉnh Bình Dương, Biwase dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng mở rộng mạng lưới cấp nước; 800 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 2 của dự án xây dựng lò đốt rác với công suất 500 tấn/ngày kết hợp với phát điện với công suất 12 MW, nâng tổng công suất nhà máy đốt rác phát điện lên 17 MW.
Ngày 31/12/2024, Biwase đã chính thức hoàn tất thương vụ mua lại 43% cổ phần tại CTCP Đầu tư Nước Tân Hiệp, đây là doanh nghiệp sở hữu nhà máy nước Tân Hiệp với công suất 300.000 m3/ngày đêm tại TP HCM. Công ty ban tự tin rằng công ty liên kết Nước Tân Hiệp sẽ chi trả cổ tức tiền mặt là 7.000 đồng/cp (tương đương lợi suất cổ tức 8-9%).
Đại diện Biwase cho biết dù không nắm giữ cổ phần chi phối trên 50%, nhưng công ty sẽ vẫn là cổ đông lớn nhất và giữ vị trí Chủ tịch, đảm bảo vai trò tác động đáng kể đến hoạt động của Nước Tân Hiệp. Tiềm năng mở rộng công suất của Nước Tân Hiệp theo ban lãnh đạo là khá lớn, vì công ty này lấy nước thô từ sông Sài Gòn, nơi có chất lượng nước tương đương với hồ Dầu Tiếng nhưng với giá đầu vào thuận lợi hơn.
Ngoài ra, nguồn cung nước dồi dào từ sông Sài Gòn tạo nền tảng vững chắc để mở rộng công suất. Mặc dù có lo ngại về tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô, Chủ tịch công ty tự tin sẽ giải quyết hiệu quả thách thức này.
Bên cạnh đó, vị trí chiến lược của Công ty Nước Tân Hiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sang các khu vực trọng điểm như Quốc lộ 22, Ngã 4 An Sương và Sân bay Tân Sơn Nhất, mở ra cơ hội lớn để tăng công suất đầu ra và mở rộng thị trường.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/crawl-20250212114045817-20250212114045831.jpg?width=700)
Cuối năm 2024, Biwase thành công đặt chân vào lĩnh vực cấp nước sạch cho TP HCM thông qua việc mua 43% cổ phần của CTCP Đầu tư Nước Tân Hiệp. (Ảnh: Báo Xây dựng).
Về biểu giá xử lý chất thải sinh hoạt, theo cập nhật của Chứng khoán Vietcap, ban lãnh đạo Biwase kỳ vọng biểu giá sẽ được phê duyệt vào quý II/2025, tiếp theo là việc phê duyệt tăng giá nước (đã trình chính quyền tỉnh Bình Dương) sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm 2025.
Về rủi ro đối với việc đồng USD tăng giá, tính đến hết năm 2024 Biwase có khoản nợ 113 triệu USD. Công ty đã thành công trong việc phòng hộ rủi ro tỷ giá cho 40 triệu USD nợ thông qua hợp đồng Hoán đổi Ngoại tệ (CCS), khóa lãi suất cố định bằng VND ở mức 7% cho thời hạn còn lại. Trong tương lai, công ty dự kiến sẽ phòng hộ thêm 40 triệu USD vào năm 2025.
Xem thêm tại vietnambiz.vn