Blog chứng khoán: Vượt qua “vùng ám ảnh” 1300 điểm

Phản ứng trên thị trường phái sinh hôm qua và hôm nay đều cho thấy sự thiếu tự tin vào cơ hội tăng của thị trường cơ sở. Rung lắc quả thực đã diễn ra nhiều, nhưng cuối cùng thì dòng tiền bắt đáy vẫn mạnh hơn. VNI đã đóng cửa sát mốc 1300 điểm còn VN30 vượt hẳn đỉnh tháng 12/2024.

Chứng khoán Mỹ đêm qua sụt giảm cộng với giao dịch giằng co phiên trước cho thấy ngưỡng 1300 vẫn đang ám ảnh không ít nhà đầu tư. Hôm nay diễn biến tăng rất chậm, đúng hơn là lình xình cả ngày, thậm chí có lúc xuất hiện lực bán khá lớn ép VNI rơi hẳn xuống dưới tham chiếu. Độ rộng của toàn sàn HSX cũng như diễn biến nhóm VN30 cho thấy sự phân hóa về quan điểm là rất rõ ràng.

Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì ngưỡng 1300 điểm đã chặn VNI suốt cả năm 2024, nhiều lần thị trường nỗ lực đều thất bại kéo theo một đợt điều chỉnh khá mạnh sau đó. Nhịp tăng hiện tại kéo dài từ giữa tháng 1/2025 giúp nhiều cổ phiếu sinh lời tốt. Nhà đầu tư có lãi phải đứng trước lựa chọn, hoặc là tiếp tục giữ cổ phiếu để đặt cược vào kịch bản vượt ngưỡng kháng cự 1300; hoặc chốt lời co hẹp danh mục đề phòng đột phá thất bại. Nếu lỡ bán mà thị trường vẫn vượt đỉnh thì mua lại cũng không muộn.

Vì vậy trạng thái giằng co đánh võng trong phiên bản chất là diễn biến trao đổi kỳ vọng. Sẽ có người thoát ra và có người chấp nhận mua vào đặt cược. Lúc này bên nào mạnh hơn sẽ áp đặt xu hướng. Một tín hiệu tốt là nhịp trượt giảm đáng kể nhất chiều nay khiến VNI lẫn VN30 đỏ có thanh khoản không cao. Ví dụ VN30 trượt giảm trong khoảng 30 phút có quy mô khoảng 1.124 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng giao dịch rổ trong cả phiên. Lực cầu sau đó đã vớt giá cổ phiếu phục hồi và cả hai chỉ số đều đóng cửa sát ngưỡng cao nhất ngày.

Một tín hiệu khá tích cực khác là dòng tiền có xu hướng dịch chuyển trở lại nhóm blue-chips. VN30 hôm nay chiếm thị phần khoảng 49% sàn HSX cao nhất 8 phiên và cao hơn đáng kể so với trung bình 10 phiên gần nhất (43%). Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thanh khoản sụt giảm nhưng vẫn còn khá nhiều cổ phiếu giao dịch tích cực cả về giá lẫn thanh khoản. Nếu VNI bùng nổ qua 1300 thì nhóm vừa và nhỏ vẫn có cơ hội tăng tiếp nhờ hiệu ứng giữ hàng.

Thị trường đang có cơ hội lớn vượt qua “vùng ám ảnh 1300” vì mức định giá hiện tại vẫn đang hấp dẫn so với năm 2024 và có kỳ vọng phía trước. Thanh khoản cũng đang ở ngưỡng trung bình, tuần này 2 sàn khớp khoảng 15,7k tỷ/phiên, cao nhất 19 tuần. Ở các lần va chạm với ngưỡng 1300 điểm năm ngoái, khi tới gần vùng này thanh khoản đều tăng cao hơn nhiều. Lần này giao dịch có vẻ chậm, dĩ nhiên một mặt là cho thấy tiền bên ngoài vẫn chờ đợi kết quả đột phá rõ ràng mới vào, mặt khác thể hiện tâm lý giữ hàng khá chặt.

Thị trường phái sinh cũng phản ánh sự giằng co trong quan điểm. Hôm qua đáo hạn F1 nhưng F2 lại có basis đảo âm. Sáng nay F1 cũng chiết khấu tiếp từ basis F2 phiên trước. Trong VN30 còn chưa có giá mở cửa F1 chấp nhận basis -3,5 điểm trung bình. Tuy basis được điều chỉnh hợp lý hơn ngay sau đó thì suốt các nhịp tăng của VN30 trong phiên, basis vẫn âm nhẹ. Trong phiên ngoại trừ lần đầu ngày VN30 chạm tới 1348.xx, chỉ số có ngưỡng hỗ trợ quanh 1340 trong khi cản 1354.xx vẫn có hiệu lực. Trading có rủi ro thấp vì basis hầu như không đáng kể ttrong biên độ này.

Blog chứng khoán: Vượt qua “vùng ám ảnh” 1300 điểm - Ảnh 1

VNI chốt tuần đã lên mức 1296.75, tạo sự bâng khuâng êm dịu cho kỳ nghỉ cuối tuần. Khả năng đột phá qua 1300 điểm là khá cao khi tiền có dấu hiệu trở lại blue-chips. Hôm nay các trụ ngân hàng đỡ là chính và các trụ khác tạm nghỉ. Khả năng xoay vòng các trụ tạo cơ hội tăng điểm chậm nhưng cũng có thể kéo được. Chiến lược vẫn là giữ cổ, Long/Short linh hoạt với phái sinh.

VN30 đóng cửa tại 1353.73. Cản gần nhất phiên tới là 1358; 1367; 1373; 1379; 1383; 1391. Hỗ trợ 1348; 1340; 1333; 1325; 1318.

“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.

Xem thêm tại vneconomy.vn