Bỏ 8,5 triệu vào chứng khoán 11 năm trước, mua cổ phiếu nào để bây giờ có 8,8 tỷ đồng?

Câu chuyện nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau 11 năm "bỏ quên" thành 8,8 tỷ khiến không ít nhà đầu tư chứng khoán "vắt tay lên trán" suy nghĩ về việc mua một cổ phiếu năm 2013 rồi "cất tủ" đến bây giờ, liệu có khả năng lãi gấp hơn 1.000 lần?

Thực tế là không thể. Không có cổ phiếu nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013 còn giao dịch đến bây giờ cho mức sinh lời "khủng" đến nghìn lần. Con số này tương đương với mức sinh lời đều đặn 84% mỗi năm trong suốt hơn một thập kỷ.

Ngay cả những cỗ máy tăng trưởng bền bỉ trên như FPT, CAP, DP3, SLS,… cũng không thể cho nhà đầu tư mức sinh lời đến trăm lần chứ chưa nói đến nghìn lần. Thực tế, hiệu suất sinh lời bình quân trên 20%/năm trong một thập kỷ đã là rất hiếm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

photo-1710501482512

CAP là một trong những cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất TTCK Việt Nam trong 11 năm qua nhưng mức sinh lời cũng chưa đến 100 lần.

Thế nhưng, trên lý thuyết vẫn có cách để nhà đầu tư bỏ 8,5 triệu vào thị trường chứng khoán năm 2013 và kiếm về 8,8 tỷ sau 11 năm.

Đầu tiên, nhà đầu tư mua 1.100 cổ phiếu TCM giá 7.600 đồng/cp vào giữa tháng 3/2013. Sau một năm nắm giữ, đến cuối tháng 3/2014, chốt lời giá 31.000 đồng/cp, tài khoản có 34 triệu đồng.

Sau 3 tháng nghỉ ngơi, tiếp tục dùng 34 triệu đồng mua 4.000 cổ phiếu L14 giá 8.500 đồng/cp cuối tháng 6/2014. Nắm giữ 2 năm sau đó bán giá 85.000 đồng/cp cuối tháng 6/2016, nhà đầu tư có 340 triệu đồng.

Ngay sau khi chốt lời, tiếp tục dùng toàn bộ số tiền trong tài khoản mua 15.400 cổ phiếu NKG giá 22.000/cp. Sau một năm rưỡi, nhà đầu tư bán ra giá 44.000 đồng/cp vào đầu tháng 1/2018 và "bỏ túi" 678 triệu đồng.

Lại nghỉ ngơi 3 tháng, sau đó tiếp tục "tất tay" mua 135.600 cổ phiếu ANV giá 5.000 đồng/cp tháng 4/2018. Đến cuối tháng 8/2019, chốt lời giá 33.000 đồng/cp, nhà đầu tư có gần 4,5 tỷ đồng.

"Gác kiếm" chừng hơn nửa năm sau đó dùng toàn bộ số tiền mua 235.000 cổ phiếu VGI vùng đáy Covid 19.000 đồng/cp hồi cuối tháng 3/2020. Nắm giữ đến bây giờ, nhà đầu tư sẽ có hơn 8,8 tỷ đồng trong tài khoản.

photo-1710513893763

Giao dịch giả định dựa trên góc nhìn từ hiện tại về quá khứ nên trông mọi thứ có vẻ dễ dàng nhưng chứng khoán thực tế lại không đơn giản như thế. Để làm được những điều trên, nhà đầu tư phải có một "bàn tay vàng" cùng rất nhiều may mắn để liên tục mua đáy, bán đỉnh suốt nhiều năm. 

Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, với trường phái đầu cơ "all in", chỉ một sai lầm cũng có thể khiến nhà đầu tư đánh mất toàn bộ thành quả trước đó.

Thực tế cho thấy, việc luôn luôn chiến thắng trên thị trường chứng khoán gần như là bất khả thi, đặc biệt với một môi trường "khắc nghiệt" như chứng khoán Việt Nam. "90% giao dịch trên thị trường là lỗ", bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Thanh Cần, CEO Kafi thậm chí còn cho rằng, xác suất cho phong cách đầu cơ lướt sóng giữ được tiền trong thời gian dài gần như không tới 1%. "Đa số việc kiếm được tiền từ việc lướt sóng lần này thì lần sau cũng sẽ trả lại. Cho nên, theo thống kê chung của thị trường, nhà đầu tư cá nhân hay bị thua lỗ là vì vậy", chuyên gia nhấn mạnh.

Về cơ bản, các chứng sỹ đều có quyền lựa chọn trường phái đầu tư để theo đuổi. Với những người muốn "ăn chắc, mặc bền", các cổ phiếu tăng trưởng bền bỉ, cổ tức cao hàng năm với mức sinh lời bằng lần, thậm chí hàng chục lần trong một thời gian dài là một lựa chọn đáng để cân nhắc.

Với những nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm hơn, chiến lược đầu cơ lướt sóng có thể mang lại nhiều cảm giác phấn khích hơn. Khả năng sinh lời cũng có thể cao hơn nhưng đi kèm với đó là rủi ro rất lớn và khó duy trì trong thời gian dài.

Nhìn chung, nếu chỉ tính trong khoảng thời gian 11 năm, hiệu suất sinh lời gấp 1.000 lần gần như là "không tưởng" đối với bất kỳ kênh đầu tư chính thống nào tại Việt Nam. Dù vậy, với một khung thời gian dài hơn, không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ có một cổ phiếu Việt Nam đạt được mức sinh lời đáng mơ ước trên.

Xem thêm tại cafef.vn