Bộ Công an thông tin mới nhất về vụ án liên quan đến Shark Thủy

Theo Báo Dân trí, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa phát đi thông báo tìm người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup) và CTCP Đầu tư và Phân phối Egame (Công ty Egame).

Qua điều tra, Bộ Công an xác định trong giai đoạn năm 2015 - 2023, bị can Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn gọi là Shark Thủy), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup cùng đồng phạm đã sử dụng pháp nhân của Công ty Egame để thực hiện hành vi gian dối.

Cụ thể, nhóm đối tượng này đã huy động vốn bằng các hình thức như bán cổ phần giả mạo của Tập đoàn Egroup để nhận tiền mặt, chuyển khoản hoặc thanh toán bằng bất động sản, đồng thời vay mượn tiền của nhà đầu tư và cam kết bằng cổ phần không có thật.

Cơ quan Bộ Công an xác định những nhà đầu tư liên quan là người bị hại trong vụ án này. Nhà chức trách đề nghị những người bị hại cần đến trình báo và cung cấp thông tin, hồ sơ liên quan đến việc mua, cho vay bảo đảm bằng cổ phần của Tập đoàn Egroup tại Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, địa chỉ 47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội với số điện thoại 0993.093.865.

Nếu hết thời hạn điều tra vụ án theo quy định của pháp luật mà người bị hại không đến làm việc hoặc không cung cấp thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ không xem xét, giải quyết các yêu cầu liên quan trong vụ án.

Bộ Công an thông tin mới nhất về vụ án liên quan đến Shark Thủy
Bộ Công an thông báo tìm người bị hại liên quan đến Shark Thủy

Ông Nguyễn Ngọc Thủy sinh năm 1982, nổi tiếng sau khi tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên với tên gọi Shark Thủy. Thành công lớn nhất của ông có lẽ là xây dựng được chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất Việt Nam, bao gồm Apax English và English Now.

Trong một thời gian dài, trung tâm này được xem là “gà đẻ trứng vàng” của Apax Holdings (IBC) - một thành viên trực thuộc Tập đoàn Egroup của Shark Thủy. Tới cuối năm 2022, ông Thủy sở hữu 6,17% vốn IBC trong khi Egroup nắm gần 16,8%.

Được biết, Apax Holdings nắm 66,36% vốn tại CTCP Anh ngữ Apax (Apax English/Apax Leaders). Hệ thống này khi cao điểm có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng 120.000 học viên.

Thời điểm trước dịch Covid - 19, Apax Holdings có giai đoạn tăng trưởng nóng, liên tục mở trung tâm với doanh thu ghi nhận đạt 1.000 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Tuy nhiên, sau dịch bệnh, đơn vị này liên tiếp đóng cửa hàng loạt trung tâm Anh ngữ Apax Leaders và dính lùm xùm bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh dồn dập đòi tiền.

Bộ Công an thông tin mới nhất về vụ án liên quan đến Shark Thủy
Cổ phiếu IBC bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin

Năm 2022, IBC vẫn ghi nhận doanh thu tăng nhưng đã bắt đầu lỗ ròng và các khoản nợ dần tăng nhanh. Ngoài ra, Tập đoàn Egroup của Shark Thủy cũng mắc nợ trái phiếu và không có khả năng thanh toán.

Hồi cuối năm 2022, trong buổi trao đổi trực tiếp tại VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận Apax English đã phát triển quá nóng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông cũng gặp thêm phần khó khi lấn sân sang bất động sản trong giai đoạn thị trường trầm lắng và gần như đóng băng đẩy không ít công ty rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Trong khoảng 2 năm qua, doanh nghiệp của Shark Thủy tái cấu trúc, dùng cả bất động sản và đồ gia dụng để gạt nợ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Apax Holdings vẫn không thoát khỏi bùn lầy.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá IBC liên tục lao dốc và rơi về mức “trà đá”, dưới 2.000 đồng/cp. Cổ phiếu theo đó bị đẩy từ HoSE xuống sàn UPCoM, nhưng cổ phiếu vẫn bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Sau nhiều lời hứa suông với nhà đầu tư, vào ngày 25/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chính thức bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn