Bộ Công Thương muốn bàn giao VEAM, Habeco...về "siêu" Ủy ban và SCIC
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc giám sát tình hình thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Theo đó, trên cơ sở quyết định 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định 22 và đóng góp ý kiến nội dung Kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp do bộ làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025.
Bộ Công Thương khẳng định, trên cơ sở thống nhất của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương về Kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp do Bộ đang là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, tại các văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất bàn giao đồng thời và nguyên trạng tất cả các doanh nghiệp do bộ đang làm đại diện chủ sở hữu sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC giai đoạn 2022-2025.
“Việc này nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp tốt thì nhận bàn giao, doanh nghiệp không tốt thì không nhận và làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương”, văn bản của Bộ khẳng định.
Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất chuyển giao gồm: Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco); Tổng công ty Giấy Việt Nam; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE); Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam; Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp; Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng; Công ty TNHH MTV Xây lắp thương mại và Vật liệu xây dựng BMC; Công ty cổ phần Viện nghiên cứu dệt may; Công ty cổ phận Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI.
Trong đó, VEAM có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 88,47% do Bộ Công Thương quản lý. Kết quả lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý 2/2023 đạt 6.121 tỷ đồng, tăng 33,3% so với quý 2/2022, lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 đạt 6.071 tỷ, tăng 33,2% so với quý 2 năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VEA đạt lợi nhuận sau thuế 6.226 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/6/2023, quy mô tài sản - nguồn vốn hợp nhất của Habeco đạt 7.282 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của Habeco đạt 3.251 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 184,6 tỷ đồng. Riêng tại công ty mẹ Habeco, doanh thu thuần đạt 2.236 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lũy kế 181,7 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ, hoàn thành 81,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm được đại hội cổ đông thường niên thông ra.
Trong 6 tháng đầu năm, MIE có giá trị sản xuất công nghiệp là 519,8 tỷ đồng đạt 47,9% kế hoạch năm, bằng 110,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu: 584,0 tỷ đồng đạt 45,8% kế hoạch năm, bằng 96,1% cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế: 2,56 tỷ đồng đạt 56,8% kế hoạch năm.
Về việc triển khai thực hiện quyết toán cổ phần hóa đối với các đơn vị chưa quyết toán phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, theo Bộ Công Thương, cho tới thời điểm hiện tại có 3 doanh nghiệp chưa hoàn thành công tác quyết toán cổ phần hóa là Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE), công tác quyết toán vẫn chưa hoàn thành do vẫn tồn tại các khó khăn, vướng mắc.
Bộ Công Thương khẳng định với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại 11 doanh nghiệp trên, cơ quan này đã tổ chức, sắp xếp và cơ cấu lại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát việc thu cổ tức, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, cũng như nghĩa vụ nộp ngân sách theo quy định.
Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn