Bộ Công Thương sẽ mở đường tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ dài hạn cho ngành thép

Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo số 6082/VPCP-NN yêu cầu các Bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ ứng phó với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU).

Trong đó, Bộ Công Thương được giao làm đầu mối, chủ trì xây dựng và thực hiện đề án ứng phó với CBAM, đồng thời thúc đẩy đối thoại quốc tế, đàm phán và nghiên cứu khả năng mở rộng CBAM đối với các sản phẩm hàng hóa khác.

Được biết, CBAM là cơ chế đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu, được EU triển khai nhằm khuyến khích giảm phát thải khí carbon trong sản xuất trên toàn cầu. Bốn nhóm hàng bao gồm sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng của cơ chế này. Trong đó, các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của bốn mặt hàng xuất khẩu này.

Cơ chế này hiện là một trong hai thách thức cho doanh nghiệp thép Việt Nam đang phải đối mặt bên cạnh rào cản từ biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thép nhập khẩu của Việt Nam vào EU có thời hạn đến ngày 30/6/2026.

Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) nhận định: “Hiện tại cơ chế này đang ở giai đoạn 1 (1/10/2023 - 31/12/2025) khi các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có các doanh nghiệp thép phải khai báo mức phát thải.

Tuy vậy trong thời gian tới, khi cơ chế CBAM bước vào các giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp thép trong đó có Việt Nam bắt buộc phải mua chứng chỉ phát thải CBAM từ năm 2026 sẽ làm gia tăng chi phí, khó cạnh tranh về mặt giá trị nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất.”

Ngoài ra, thủ tục và cơ chế liên quan tới khai báo thông tin phát thải từ nhà xuất khẩu cũng có thể trở thành hàng rào kỹ thuật và hàng rào thương mại vào thị trường này.

Theo ước tính của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8% cùng với tác động bất lợi về khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Bộ Công thương sẽ mở đường tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ dài hạn cho ngành thép
EU hiện đang là thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn thép tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 4,8 tỷ USD tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, thị trường EU hiện chiếm tới 25% thị phần xuất khẩu thép sang thị trường nước ngoài, tăng hơn 6 lần so với thời điểm trước khi hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm 2020.

Châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều doanh nghiệp thép trong nước. Đối với Tập đoàn Hòa Phát (HPG), EU chiếm 37% doanh thu xuất khẩu và 10,7% tổng doanh thu của doanh nghiệp vào năm 2023. Đây cũng là thị trường xuất khẩu chính của Tập đoàn Hoa Sen (HSG).

Trước thách thức về cơ chế điều chỉnh phát thải carbon từ Liên minh châu Âu, Hoa Sen đã triển khai và hoàn thành việc kiểm kê khí nhà kính tại 3 nhà máy sản xuất tôn bao gồm nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, nhà máy Hoa Sen Nghệ An tại Đông Hồi và nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng hoàn thành việc truy vết carbon đối với gần 20 dòng sản phẩm Tôn Hoa Sen, bước đầu đáp ứng một số yêu cầu cho việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Châu Âu theo CBAM.

Theo đó, việc EU tiến hành đánh thuế carbon đối với mặt hàng sắt thép xuất khẩu đang là thách thức lớn với ngành thép nói chung. Tuy nhiên, với những nỗ lực giúp giảm thiểu tác động từ cơ chế này của các Bộ, ban ngành và chính các doanh nghiệp kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn này và giúp công ty duy trì sản lượng xuất khẩu sang EU. Đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp mở rộng khai thác thị trường khác khi yêu cầu xanh hóa trong ngành thép ngày càng cao.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn