Bộ đệm dự phòng nợ xấu của các ngân hàng tiếp tục mỏng đi

24/29 ngân hàng tăng tỷ lệ nợ xấu

Báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 của 29 ngân hàng cho thấy, 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng so với cuối năm 2023, đẩy số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái.

Trong đó, BacABank là ngân hàng ghi nhận quy mô nợ xấu gia tăng mạnh nhất hệ thống, tới 65,4% chỉ sau 6 tháng, đạt 1.513 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay theo đó bị kéo lên 1,48% từ mức 0,92% hồi đầu năm.

Theo số liệu của NHNN, tính tới cuối tháng 5/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023, duy trì ở mức 6,9%.

Tại VietABank, đến thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng nợ xấu là 1.675 tỷ đồng, tăng 52% so với mức 1.100 tỷ đồng hồi cuối năm 2023. Đáng chú ý, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp 11 lần so với con số 22 tỷ đồng hồi cuối năm trước. Điều này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của VietABank từ 1,6% lên 2,3%.

Xét về số dư tuyệt đối, VPBank đang dẫn đầu với tổng nợ xấu đạt 31.712 tỷ đồng vào cuối quý 2/2024, tăng 11,6% so với cuối năm trước, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của VPBank tiếp tục ở mức trên 5%, chỉ đứng sau NCB khi ngân hàng này đang có tỷ lệ nợ xấu cao ở mức 2 con số.

Cùng với đó, so với cuối năm trước, nhiều ngân hàng đã bị tăng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay lên mức trên 3% như MSB tăng từ 2,87% lên 3,08%, OCB tăng từ 2,65% lên 3,12%, ABBank tăng từ 2,91% lên 3,6%, VietBank từ 2,56% lên 3,4%...

Nợ xấu không chỉ tăng ở các ngân hàng nhỏ và tầm trung, tại các “ông lớn” quốc doanh, nợ xấu cũng đang tăng cả về số dư và tỷ lệ. Theo báo cáo tài chính quý 2/2024, đến ngày 30/06, tổng nợ xấu của Vietcombank đã tăng 32% so với đầu năm lên mức gần 16.446 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 27,7%, lên 10.017 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,2% tổng dư nợ. VietinBank cũng ghi nhận nợ xấu nhóm 4 tăng 185% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu hiện ở mức 1,6% tổng dư nợ. BIDV có tổng nợ xấu 28.687 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,26% lên 1,52%.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), chất lượng tài sản có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Theo đó, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024-2025.

Bộ đệm dự phòng tiếp tục mỏng đi

Theo báo cáo của FiinGroup, nợ xấu tăng lên trong khi chi phí dự phòng ở mức vừa phải (nhờ việc gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu, gia hạn nợ của Ngân hàng Nhà nước) khiến bộ đệm dự phòng tiếp tục mỏng đi, hạn chế khả năng xử lý nợ trong thời gian tới. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 27 ngân hàng khảo sát giảm về 81,5% trong quý 2/2024, mức thấp nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện và cách khá xa so với mức đỉnh (143,2%) trong quý 3/2022.

Tính toán từ báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, hiện chỉ có 6 ngân hàng có tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 100% như Vietcombank (212%), BIDV (132%), Agribank (116%), MB (102%), Techcombank (101%),... Tại Vietcombank, dù đang có mức bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống ngân hàng, nhưng mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm đã giảm 33% so với hồi cuối năm trước, từ 4.557 tỷ đồng xuống còn 3.021 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, có một số ngân hàng có tỷ lệ dự phòng từ 50% đến dưới 100% như: BacABank (86%); LPBank và SeABank cùng ở mức 77%; ACB (76%); SHB (71%); TPBank (66%); HDBank và MSB cùng là 59%... Đáng chú ý, nhiều ngân hàng có tỷ lệ dự phòng nợ xấu ở mức dưới 50% dù tỷ lệ nợ xấu ở mức cao, thậm chí có ngân hàng tỷ lệ bao phủ chỉ ở mức 5%. Hơn nữa, có ngân hàng dù có tăng tỷ lệ trích lập dự phòng nhưng mức tăng chưa tương xứng với đà tăng của nợ xấu. Đơn cử tại VPBank, tổng nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay hiện tăng 11% nhưng mức tăng dự phòng chỉ đạt hơn 9,3%, dẫn đến mức bao phủ nợ xấu thấp khoảng 48%.

Kết quả lợi nhuận đang chịu nhiều tác động bởi tín dụng tăng chậm, giảm biên độ lợi nhuận, các mảng kinh doanh phi tín dụng như ngoại hối, bảo hiểm, chứng khoán,… gặp nhiều khó khăn nên nhiều ngân hàng phải giảm trích lập dự phòng rủi ro để "làm đẹp" con số lợi nhuận. Trong khi đó, việc thu hồi, xử lý nợ ngày càng khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội đã hết hiệu lực nên chưa có cơ chế đủ mạnh cho thu hồi nợ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chịu không ít tác động tiêu cực, thị trường bất động sản vẫn chưa bền vững… trong khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024. Do đó, các chuyên gia cho rằng, nợ xấu là vấn đề các ngân hàng phải quan tâm, trong đó phải chú ý gia tăng bộ đệm dự phòng để tránh ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống nói chung.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn