Bộ đôi doanh nghiệp chuyển phát trên sàn chứng khoán: Viettel Post có biên lãi gộp cao nhất nhiều quý, EMS chuyển lỗ thành lãi trong quý 2
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post – mã VTP) ghi nhận doanh thu giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, biên lãi gộp đã được cải thiện từ mức 3,8% quý 2/2022 lên mức 4,8% - cao nhất kể từ quý 1/2020. Lợi nhuận gộp đạt 236 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý 2 vừa qua, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao (+67% so với cùng kỳ năm ngoái) đã khiến lợi nhuận sau thuế của Viettel Post gần như đi ngang so với quý 2/2022, đạt gần 98 tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn là mức lãi ròng cao nhất trong một quý của doanh nghiệp chuyển phát này kể từ đầu năm 2022.
Tương tự, Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện – CTCP (mã EMS) cũng ghi nhận doanh thu quý 2 sụt giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 422 tỷ đồng. Biên lãi gộp của EMS “dày” hơn so với Viettel Post khá nhiều, đạt 15,6% trong quý 2, tăng so với mức 14,3% cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn con số 17,4% của quý đầu năm. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 66 tỷ đồng, giảm hơn 13% so với quý 2/2022.
Tuy nhiên, nhờ khả năng quản lý chi phí hiệu quả, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 2 đều giảm lần lượt 32% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, EMS lãi ròng 5,3 tỷ đồng, khả năng hơn nhiều so với khoản lỗ 1,6 tỷ đồng quý 2/2022. Dù vậy, đây lại là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này trong vòng 4 quý.
Tín hiệu lạc quan từ mảng dịch vụ chuyển phát
Mặc dù kết quả kinh doanh nhìn chung có phần trái chiều trong quý 2 vừa qua nhưng cả Viettel Post và EMS đều ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong mảng kinh doanh cốt lõi là dịch vụ chuyển phát.
Đặc biệt với Viettel Post, biên lợi nhuận gộp mảng dịch vụ chuyển phát đã có 2 quý liên tiếp tăng mạnh so với quý liền trước, lên mức 9,4% - cao nhất kể từ quý 2/2021. Trong khi đó, biên lãi gộp mảng này của EMS tiếp tục duy trì ở mức cao trên 16%.
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán An Bình (ABS), cạnh tranh về giá có thể sẽ bớt khốc liệt trong năm 2023. Qua khảo sát bảng giá dịch vụ của một số đơn vị chuyển phát, CTCK này nhận thấy việc giảm giá dịch vụ chuyển phát đã chậm lại, có thể do các đơn vị đã dần đuối sức trong cuộc đua này. Riêng với Viettel Post, công ty cho biết đã chủ động làm việc và đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước về việc xây dựng cơ chế giá sàn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
Thêm nữa, giá xăng dầu giảm từ vùng đỉnh 2022 giúp các doanh nghiệp chuyển phát nói chung và Viettel Post nói riêng bớt gánh nặng trong khâu kiểm soát chi phí. Tại thời điểm tháng 6/2023, giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam đã giảm hơn 30% so với thời điểm tháng 6/2022. Việc này hỗ trợ VTP cải thiện biên lợi nhuận và dễ dàng hơn trong việc cân đối chi phí – lợi nhuận trên mỗi đơn hàng.
Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa trở lại từ cuối năm 2022 cũng đã góp phần tháo gỡ nút thắt nguồn hàng cho nhiều doanh nghiệp Thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam, qua đó rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam trở lại với mức trước dịch, cải thiện sản lượng vận chuyển hàng hóa.
Mặt khác, mảng dịch vụ chuyển phát vẫn còn phải đối mặt với thách thức trong ngắn hạn khi tăng trưởng sản lượng hàng hóa vận chuyển toàn ngành chậm lại do những ảnh hưởng vĩ mô. Tốc độ phát triển thị trường chuyển phát nhanh hiện gắn liền với tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT vốn vẫn đang phát triển nhanh chóng. Dù vậy, các diễn biến có phần tiêu cực từ bối cảnh kinh tế hiện nay (tiêu dùng toàn cầu chậm lại, số lượng công nhân thất nghiệp gia tăng do số lượng đơn hàng suy giảm...) khiến ABS lo ngại về việc giảm tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm 2023.
Xem thêm tại cafef.vn