Bộ GTVT: Rất cần sự đồng hành của ngân hàng với tổng mức đầu tư cho 5 loại hình giao thông khoảng 6,27 triệu tỷ đồng
Sáng 11/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Tại Hội nghị, liên quan đến nội dung các dự án hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh cho biết đang có 11 dự án BOT giao thông gặp khó khăn cần xử lý, trong đó 7 dự án đã cơ bản giải quyết dứt điểm.
Để giải quyết các khó khăn này cũng như triển khai các dự án BOT mới, Bộ GTVT cần sự chung sức, đồng lòng, chia sẻ giữa các bên liên quan.
Tới đây, ngành giao thông rất cần sự đồng hành của ngân hàng với tổng mức đầu tư cho 5 loại hình giao thông, khoảng 6,27 triệu tỷ đồng từ nay tới năm 2035.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về việc tham gia các dự án BOT, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank cho biết, với mong muốn góp phần để đất nước có 3.000km cao tốc trong năm nay, ngân hàng đã tham gia nhiều dự án như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Gần đây, TPBank đã ký ngay hợp đồng tín dụng 2.400 tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và sẽ giải ngân ngay trong tuần này.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank thông tin, sau cuộc gặp Tổng thống Donald Trump, hiện nay HDBank và các đối tác đang phối hợp thực hiện các hợp đồng 48 tỷ USD với các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ và đang thương lượng tăng lên 64 tỷ USD, tạo ra 500.000 việc làm.
Điểm lại một số việc đã làm được trong năm 2024, Thủ tướng đánh giá, ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng,
Ngành cũng bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài trong giới hạn.
Ngoài ra, các ngân hàng đã chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay cũng như tham gia vào việc chuyển giao bắt buộc một số ngân hàng yếu kém. Công tác kiểm soát nợ xấu được cải thiện đáng kể, tốt hơn so với các năm trước.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn tham gia hỗ trợ vốn cho các dự án BOT và nhiều dự án lớn khác của Chính phủ và doanh nghiệp.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn