"Bố làm Chủ tịch, con làm Tổng giám đốc": TNG bị phạt, Hòa Bình dẫn đến nội chiến, Hóa chất Đức Giang bình yên chờ ngày Chủ tịch về hưu

TNG bị phạt vì "bố làm Chủ tịch, con làm Tổng Giám đốc"

"Bố làm Chủ tịch, con làm Tổng giám đốc": TNG bị phạt, Hòa Bình dẫn đến nội chiến, Hóa chất Đức Giang bình yên chờ ngày Chủ tịch về hưu- Ảnh 1.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG ) vừa công bố việc nhận được quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên ngày 26/12/2024.

Quyết định ghi rõ, TNG đã có hành vi bổ nhiệm Tổng giám đốc Nguyễn Đức Mạnh có quan hệ gia đình với người quản lý doanh nghiệp là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời, chưa đảm bảo điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 5 điều 162 Luật Doanh nghiệp.

Doanh nghiệp này bị xử phạt số tiền 25 triệu đồng, đồng thời phải khắc phục hậu quả là buộc phải miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Đức Mạnh. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Đức Mạnh được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc vào tháng 5/2023, đồng thời vị này còn nắm giữ chức vụ Ủy viên HĐQT TNG. Tại thời điểm tháng 11/2024, ông Mạnh nắm giữ hơn 9,8 triệu CP TNG (tỷ lệ 8,01%).

Vụ nội chiến của Hòa Bình

"Bố làm Chủ tịch, con làm Tổng giám đốc": TNG bị phạt, Hòa Bình dẫn đến nội chiến, Hóa chất Đức Giang bình yên chờ ngày Chủ tịch về hưu- Ảnh 2.

Câu chuyện của TNG gợi nhớ tới vụ nội chiến của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) vào đầu năm 2023.

Theo đó, tháng 7/2020, ông Lê Viết Hiếu (SN 1992) - con trai ông Lê Viết Hải được bầu làm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thay cho ông Lê Viết Hải. Thời điểm đó, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch kiêm CEO Hoà Bình thôi giữ vị trí CEO để phù hợp với quy định về quản trị doanh nghiệp, khi chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm CEO của cùng một công ty đại chúng.

Nhưng sau hai năm tại vị, đến tháng 7/2022, ông Lê Viết Hiếu thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, chuyển sang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực.

Lý do ông Lê Viết Hiếu thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc được Hòa Bình cho biết là do công ty thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020:  Đối với công ty đại chúng, theo quy định của Luật doanh nghiệp thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp (bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị…).

Tuy vậy, vì vẫn muốn con trai kế nghiệp, đến cuối năm 2022, ông Lê Viết Hải một lần nữa muốn rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Hòa Bình, nhường ''ghế nóng'' cho ông Nguyễn Công Phú để đề cử ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc vào kỳ ĐHĐCĐ năm 2023.

" Điều này để đảm bảo tính pháp lý cho con trai tôi là Lê Viết Hiếu từ phó tổng giám đốc thường trực trở thành tổng giám đốc. Bởi theo quy định của luật, nếu tôi là thành viên Hội đồng quản trị thì người trong gia đình không được giữ chức tổng giám đốc.

Hòa Bình đang trống chức vụ tổng giám đốc và Hiếu cũng trong tình trạng "danh không chính, ngôn không thuận". Lên tổng giám đốc cho Hiếu có điều kiện phát huy vai trò của mình hơn " - ông Lê Viết Hải nói trong một bài phỏng vấn báo chí.

Thế nhưng, bước chuyển giao quyền lực này lại không diễn ra êm đẹp khi ngay sau đó, một cuộc nội chiến đã bùng nổ giữa hai phe ông Nguyễn Công Phú và ông Lê Viết Hải khi cả hai đều khẳng định mình là Chủ tịch hợp pháp. Nhóm ông Phú trả lời truyền thông nói rằng ông Hải quay xe, tham lam quyền lực. Trong khi đó, ông Hải nói rằng ông Phú đã bội ước khi không giữ lời hứa đồng thuận với mình trong việc quản trị tập đoàn.

Sau ba tuần tranh chấp, ngày 19/1/2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình công bố ông Lê Viết Hải vẫn tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty. Đồng thời, hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Còn ông Phú đến giữa tháng 2/2023 đã xin rút khỏi HĐQT Hoà Bình. Một vị Tổng giám đốc HBC là Lê Quốc Duy - người đứng về phía ông Phú sau đó cũng xin từ nhiệm.

Vì vậy hiện tại, con trai ông Hải - ông Lê Viết Hiếu vẫn đang là Phó Tổng giám đốc thường trực của Hoà Bình và chưa thể lên làm Tổng giám đốc, do đó cơ cấu lãnh đạo Hoà Bình vẫn đang đúng với quy định của Luật doanh nghiệp.

Ông Hải hiện đang sở hữu gần 47 triệu cổ phiếu HBC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 13,53% và ông Hiếu sở hữu hơn 1,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu 0,35%.

Hóa chất Đức Giang vẫn “bình chân như vại”

"Bố làm Chủ tịch, con làm Tổng giám đốc": TNG bị phạt, Hòa Bình dẫn đến nội chiến, Hóa chất Đức Giang bình yên chờ ngày Chủ tịch về hưu- Ảnh 3.

Việc Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc có quan hệ huyết thống còn xuất hiện tại doanh nghiệp niêm yết lớn khác là Công ty Cổ ph ần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã: DGC).

Hiện nay, Chủ tịch Đào Hữu Huyền (SN 1956) là cha ruột của Tổng Giám đốc Đào Hữu Duy Anh (SN 1988). Ông Huyền giữ chức Chủ tịch HĐQT DGC từ năm 2007, còn ông Duy Anh giữ vai trò Tổng Giám đốc DGC từ tháng 3/2020.

Trả lời về vấn đề này tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Chủ tịch Đức Giang cho biết nhiệm kỳ của HĐQT hiện tại còn hai năm. Ông đã trao đổi với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, sau hai năm nữa khi kết thúc nhiệm kỳ, ông có thể từ chức để đảm bảo quy định và để ông Duy Anh tiếp tục là Tổng giám đốc Đức Giang.

Ông Huyền hiện đang sở hữu gần 69,8 triệu cổ phiếu DGC, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 18,38% và ông Duy Anh sở hữu hơn 11,4 triệu cổ phiếu DGC, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 3,01%.

Xem thêm tại cafef.vn