‘Bom tấn’ ACV tiến gần HoSE, hơn 2 tỷ cổ phiếu sẽ chuyển sàn
Việc chuyển sàn và niêm yết cổ phiếu tại HoSE luôn là chủ đề mà các nhà đầu tư của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) quan tâm, với mong muốn đưa. Tại các phiên họp ĐHĐCĐ thường niên trong những năm gần đây, chủ đề này luôn có mặt trong phiên thảo luận, với mong muốn được cập nhật những tình hình mới nhất về tiến trình chuyển sàn.
Tại phiên họp hồi tháng 5/2024, Chủ tịch HĐQT ACV, ông Vũ Thế Phiệt cho biết doanh nghiệp sẽ niêm yết trên HoSE khi đáp ứng đủ điều kiện. Trong đó, hiện báo cáo tài chính của ACV vẫn còn ý kiến kiểm toán về quyết toán cổ phần hoá và tài sản khu bay. Doanh nghiệp đã báo cáo và chờ ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Vietcap, tính đến tháng 2/2025, quyết toán tài chính cổ phần hóa của ACV đã được phê duyệt, hỗ trợ việc hoàn tất quy trình này vào năm 2025. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMCS) đã thông qua báo cáo tài chính năm 2016 của ACV với tổng tài sản là 45,6 nghìn tỷ đồng (giảm 520 tỷ đồng so với báo cáo trước đó) và vốn nhà nước là 21,8 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cổ phần hóa.
Số tiền chênh lệch phải trả ròng là 988 tỷ đồng (9% lợi nhuận sau thuế năm 2024 của ACV) đã được đối chiếu và có khả năng sẽ được ghi nhận là thu nhập một lần vào năm 2025. Với diễn biến này, Vietcap nhận định rằng ACV đang hướng tới giải quyết vấn đề đầu tiên để chuyển sang niêm yết HoSE.
Ở vấn đề thứ hai mà ông Vũ Thế Phiệt đề cập, về các tài sản khu bay, theo đề án pháp lý quản lý đường băng đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2020, Thủ Tướng đã phê duyệt để ACV quản lý và khai thác tài sản hạ tầng hàng không (bao gồm cả đường băng) đến hết năm 2025 trong khi quyền sở hữu đường băng vẫn thuộc về Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất ACV sử dụng nguồn thu từ tài sản cơ sở hạ tầng hàng không để tài trợ cho các dòng tiền cần thiết như bảo trì và sửa chữa tài sản.
Cho đến cuối năm 2025, Chính phủ sẽ đánh giá lại tài sản hạ tầng đường băng, có thể đưa vào bảng cân đối kế toán của ACV để đổi lấy việc tăng cổ phần Nhà nước. Trong thời gian Quyết định này có hiệu lực từ ngày 7/12/2020 đến ngày 31/12/2025, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định giá trị tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư đưa vào ACV thông qua việc tăng cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước của công ty.
Theo Vietcap, các tài sản cơ sở hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư sẽ được giải quyết vào cuối năm 2025.
Như vậy, hai vấn đề mà kiểm toán nhấn mạnh tại báo cáo tài chính của ACV dự kiến sẽ được giải quyết trong năm 2025. Điều này giúp triển vọng chuyển sàn và niêm yết HoSE của cổ phiếu ACV có thêm bước tiến mới.
ACV đã lưu hành hơn 2,1 tỷ cổ phiếu trên hệ thống UPCoM kể từ tháng 11/2016 đến nay, là một trong những doanh nghiệp có quy mô “khủng” trên sàn này. Theo giới phân tích, các doanh nghiệp giao dịch tại hệ thống UPCoM thường là những tân binh chưa đủ điều kiện hoặc chưa muốn niêm yết trên sàn chính, do đó lựa chọn thử nghiệm mức độ tăng trưởng của cổ phiếu trên UPCoM trước khi quyết định niêm yết chính thức trên HoSE hoặc HNX.
Ngoài ra, UPCoM còn được biết đến như “bến đỗ” của các cổ phiếu bị huỷ niêm yết tại HoSE và HNX. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư e ngại các cổ phiếu tại hệ thống giao dịch này với những nghi ngờ về chất lượng hàng hoá.
Tuy nhiên, tương tự như ACV, UPCoM đã và đang là “ngôi nhà” của nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (HoSE: VTP) và Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (HoSE: CTR), Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (HoSE: BSR), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH).
Trong đó, VTP, CTR và BSR đều đã chuyển sàn HoSE thành công, MCH vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục. ACV cũng có thể là một trong những cổ phiếu tiếp theo, sau khi giải quyết toàn bộ vấn đề tồn đọng để thoả mãn các điều kiện.
Theo đó, 9 điều kiện để một doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết HoSE bao gồm: vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, được ĐHĐCĐ chấp thuận thông qua, thời gian niêm yết trên UPCoM tối thiểu 2 năm, kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi, ROE năm gần nhất trên 5%, cam kết của cổ đông nội bộ về nắm giữ cổ phiếu, không bị xử lý vi phạm trong thời hạn 2 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết, có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký niêm yết và không có nợ quá hạn trên 1 năm.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn