BSR: Chu kỳ bảo dưỡng nhà máy gần 1,5 tỷ USD dự kiến kéo dài trong 4 năm

CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vừa tổ chức phiên họp khởi động đánh giá cơ hội tối ưu chu kỳ bảo dưỡng tổng thể nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh nhà máy này vừa hoàn thành thành công đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 (TA5) kéo dài từ tháng 3 đến tháng 4/2024.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn, nhấn mạnh rằng việc đánh giá cơ hội tối ưu chu kỳ bảo dưỡng là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo nhà máy vận hành an toàn, ổn định trong ít nhất 4 năm tiếp theo. Đồng thời, điều này giúp xác định thời điểm thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 6 (TA6) một cách tối ưu, mang lại hiệu quả kinh doanh và phù hợp với tiến độ triển khai dự án nâng cấp mở rộng nhà máy.

"Đồng thời, đây cũng là cơ sở để nâng cao xếp hạng của Lọc hóa dầu Bình Sơn theo tiêu chuẩn đánh giá quốc tế và thông lệ của các nhà máy lọc dầu trên thế giới, theo tiêu chuẩn đánh giá của Tổ chức Solomon," ông Bùi Ngọc Dương cho biết.

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) dự kiến bảo dưỡng nhà máy gần 1,5 tỷ USD trong 4 năm
Theo đánh giá của các đơn vị liên quan, việc kéo dài chu kỳ bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 4 năm là “rất khả thi”

Tại cuộc họp, đại diện các nhà tư vấn thiết kế WOOD, nhà bản quyền, nhà sản xuất thiết bị và đơn vị tư vấn O&M nhận định rằng việc tối ưu chu kỳ bảo dưỡng tổng thể từ 3 - 4 năm đối với nhà máy Lọc dầu Dung Quất là "rất khả thi" dựa trên lịch sử vận hành, bảo dưỡng và tình trạng thực tế của thiết bị trong nhà máy.

Với tiền đề là sự thành công của lần TA5, các hệ thống thiết bị quan trọng bên trong nhà máy đã được kiểm tra, bảo dưỡng và đưa về điều kiện thiết kế, đảm bảo vận hành tin cậy, ổn định cho đến nay. Tuy nhiên, Lọc hóa dầu Bình Sơn cần tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu năng, xây dựng các kịch bản vận hành và bảo dưỡng phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Lọc dầu Bình Sơn đã quyết định điều chỉnh dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất với mục tiêu nhằm nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng lên 171.000 thùng mỗi ngày (tăng 116%).

Quy mô đầu tư dự án bao gồm việc bổ sung và nâng cấp các phân xưởng công nghệ, phụ trợ và ngoại vi, thêm 5 phân xưởng công nghệ bản quyền mới cùng 2 phân xưởng công nghệ không bản quyền.

Theo đó, tổng vốn đầu tư của dự án tăng lên hơn 36.397 tỷ đồng tương đương gần 1,5 tỷ USD. Tiến độ thực hiện trong 37 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng EPC, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2028.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn