BSR: Đủ điều kiện niêm yết nhờ... công ty con phá sản

Không còn nợ quá hạn

Lọc hoá dầu Bình Sơn vừa nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên HOSE.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra ngày 23/5, Ban lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết, cuối năm 2023, Công ty lỡ hẹn chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE do không đáp ứng được 1 trong 9 tiêu chí.

Cụ thể, Công ty đã đáp ứng 8 tiêu chí niêm yết gồm vốn điều lệ, được đại hội đồng cổ đông chấp thuận thông qua, thời gian đăng ký giao dịch trên UPCoM tối thiểu 2 năm, kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi và ROE năm gần nhất trên 5%, có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông (không phải cổ đông lớn) nắm giữ, cam kết của cổ đông nội bộ về nắm giữ cổ phiếu, không bị xử lý vi phạm trong thời gian 2 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết, có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký niêm yết.

Một tiêu chí chưa đáp ứng được là “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm”, do công ty con là Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Miền Trung (BSR-BF) có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng, ảnh hưởng đến báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp.

Ngày 27/5/2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF, nên trên báo cáo tài chính quý II/2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã điều chỉnh khoản đầu tư vào BSR-BF từ khoản đầu tư vào công ty con thành khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Trong báo cáo soát xét bán niên 2024, kiểm toán viên kết luận, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã chấm dứt quyền kiểm soát tại BSR-BF và theo đó, báo cáo tài chính của BSR-BF được chấm dứt hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Công ty từ ngày 27/5/2024.

Theo Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), nhờ BSR-BF phá sản, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Lọc hoá dầu Bình Sơn không còn khoản nợ quá hạn như các quý trước, giúp doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện niêm yết trên HOSE.

Đánh giá cơ hội với cổ phiếu mới

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn được kỳ vọng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2024, nhưng lợi nhuận cả năm dự kiến vẫn ở mức thấp so với năm 2023.

Lọc hóa dầu Bình Sơn tiền thân là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn thành lập ngày 9/5/2008, thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất - kinh doanh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam. Công ty đã phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 1/2018 và giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 1/3/2018 đến nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Lọc hoá dầu Bình Sơn ghi nhận 55.113 tỷ đồng doanh thu và 1.884 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 19% và 36% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Ban lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn, lợi nhuận giảm là do trong tháng 3 và 4/2024, nhà máy phải tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 nên sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ đều giảm. Ngoài ra, giá dầu thô (Dated Brent) giảm từ mức trung bình 90,15 USD/thùng trong tháng 4/2024 xuống trung bình 82,61 USD/thùng trong tháng 6/2024, đồng thời khoảng cách giữa giá dầu thô và giá sản phẩm (crack spread) giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến 30/6/2024, Lọc hoá dầu Bình Sơn có tổng tài sản hơn 86.207 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm hơn 68.431 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả là 29.424 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 56.782 tỷ đồng. Công ty có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 13.112 tỷ đồng.

Trước đó, giai đoạn 2018 - 2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn đạt doanh thu lần lượt là 56.058 tỷ đồng, 102.823 tỷ đồng, 57.959 tỷ đồng, 101.114 tỷ đồng, 167.126 tỷ đồng, 147.423 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng là 226 tỷ đồng, 2.873 tỷ đồng, âm 2.858 tỷ đồng, 6.683 tỷ đồng, 14.669 tỷ đồng, 8.592 tỷ đồng.

Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 và biến động của giá dầu thế giới, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn sa sút khi doanh thu giảm gần một nửa và lâm vào tình trạng thua lỗ, ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển sàn (tháng 5/2020, Công ty nộp hồ sơ niêm yết nhưng đến tháng 11/2020 rút lại hồ sơ do kinh doanh khó khăn).

Nói về cổ phiếu chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, cổ phiếu chuyển sang sàn giao dịch có tiêu chí cao hơn cho thấy bước phát triển mới của doanh nghiệp. Việc này giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị thương hiệu, có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư hơn để tăng vốn và tăng thanh khoản cho cổ phiếu.

Đối với nhà đầu tư, những cổ phiếu chuyển từ đăng ký giao dịch sang niêm yết có sức hấp dẫn nhất định, vì thực tế cho thấy, không ít cổ phiếu tăng giá mạnh sau khi chuyển sàn. Bởi lẽ, hình ảnh của cổ phiếu được đánh giá tốt hơn và thời điểm chuyển sàn thì lợi nhuận doanh nghiệp thường khả quan.

“Tuy nhiên, đa số sóng tăng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, muốn tìm cổ phiếu chuyển sàn tăng giá dài hạn, nhà đầu tư cần lưu ý bối cảnh chung cũng như câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp”, ông Minh lưu ý.

Theo đánh giá mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn có khả năng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 nhờ công suất phục hồi và mức crack spread đã tạo đáy, qua đó bù đắp sự suy yếu trong nửa đầu năm. Tổng công suất thiết kế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 6,5 triệu tấn/năm, trong điều kiện bình thường có thể duy trì hiệu suất trên 105% và hiệu suất hoạt động cao nhất có thể đạt được là 118%, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Trong báo cáo phân tích về cổ phiếu BSR do Agriseco phát hành ngày 22/8/2024, công ty chứng khoán này nhận định, kết quả kinh doanh và những tiến triển mới về việc chuyển sàn của Lọc hóa dầu Bình Sơn cho thấy, nhiều khả năng HOSE sẽ có quyết định cho cổ phiếu BSR được niêm yết trong những tháng cuối năm 2024.

“Với vị thế của doanh nghiệp đầu ngành, chúng tôi kỳ vọng, BSR có thể lọt vào rổ chỉ số VN30 sau khi chuyển sàn, từ đó giúp gia tăng tính hấp dẫn và hỗ trợ thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài”, báo cáo của Agriseco viết.

Trong dài hạn, Lọc hóa dầu Bình Sơn có triển vọng tăng trưởng nhờ dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (dự kiến đi vào hoạt động năm 2028), nhưng trong ngắn hạn, Agriseco lưu ý, nửa cuối năm 2024, crack spread sẽ khó đạt mức cao. Lý do là tình hình tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tại Trung Quốc có dấu hiệu giảm mạnh trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm của quốc gia này và tình hình căng thẳng địa chính trị có xu hướng dịu lại ở dải Gaza giúp giảm lo ngại gián đoạn nguồn cung tại Trung Đông - khu vực sản xuất dầu chính của thế giới.

SSI Research dự báo, lợi nhuận ròng của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cải thiện trong các quý tới, từ mức nền thấp trong quý II/2024, nhưng lợi nhuận nửa cuối năm nay có thể không bằng cùng kỳ năm ngoái, do crack spread thấp hơn. Lợi nhuận cả năm 2024 nhiều khả năng giảm 32% so với năm 2023, xuống 5.800 tỷ đồng. Kỳ vọng, sang năm 2025, sản lượng tiêu thụ phục hồi, lợi nhuận sẽ tăng 18% so với năm 2024.

Từ ngày 19/8 - 20/8/2024, giá cổ phiếu BSR dao động phổ biến quanh mức 24.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 22/8, Agriseco có khuyến nghị “tích cực” với cổ phiếu BSR, mức giá mục tiêu là 28.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, ngày 1/8, khi giá cổ phiếu BSR ở mức gần 22.600 đồng/cổ phiếu, SSI Research đưa ra khuyến nghị “trung lập” với cổ phiếu này, giá mục tiêu 1 năm chỉ là 23.000 đồng/cổ phiếu.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn