Bức tranh lợi nhuận của các công ty tài chính nửa đầu năm khởi sắc trở lại

Bức tranh lợi nhuận của các công ty tài chính nửa đầu năm khởi sắc trở lại

Báo cáo tại Hội nghị Nhà đầu tư 6 tháng đầu năm 2024, ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison cho biết, lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 601 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, gấp đôi cùng kỳ năm trước (314 tỷ đồng) và gần bằng lợi nhuận cả năm 2023 (660 tỷ đồng). Lãnh đạo Công ty tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng cho cả năm 2024.

Theo ông Thái, yếu tố chính giúp HD Saison đạt được kết quả trên là nhờ biên lãi thuần (NIM) tiếp tục tăng thêm 1 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái, đạt mức 30%. Cùng với đó, chi phí vốn giảm 0,3 điểm phần trăm (xuống 7,8%) giúp NIM tăng. Đến cuối quý II/2024, dư nợ cho vay của HD Saison tăng gần 8,7% so với cùng kỳ, đạt 16.939 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng khách hàng mới đạt gần 20%. Số dư nợ xấu của Công ty là 1.272 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 7,5%. Kết quả cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu danh mục cho vay, cho vay tiền mặt tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn hơn 53% tổng dư nợ của HD Saison, cho vay xe máy chiếm tỷ trọng 19%, cho vay điện máy là 24,4% và cho vay khác chiếm 3,2%. Tỷ lệ cho vay tiền mặt theo định nghĩa của NHNN của HD Saison chỉ ở mức 25,6%, dưới ngưỡng tối đa 30%. Năm nay, HD Saison đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Về kiểm soát nợ xấu, chất lượng tài sản HD Saison cải thiện so với cùng kỳ và những chỉ báo đang được công ty theo dõi cho thấy tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục xu hướng trên.

Tương tự, Home Credit Việt Nam cũng vừa công bố lợi nhuận 6 tháng đầu 2024 đạt 474 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận phục hồi đã giúp tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Home Credit Việt Nam tăng gấp đôi từ 3,22% vào nửa đầu năm ngoái lên 6,77% cho giai đoạn 6 tháng đầu năm nay. Trong năm 2023, ROE của Home Credit ở mức 6%.

Tính đến cuối quý II/2024, vốn chủ sở hữu của Home Credit Việt Nam đạt 7.007 tỷ đồng, tăng 254 tỷ đồng hay gần 4% so với thời điểm cuối năm ngoái. Tổng nợ phải trả gấp 3,04 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng khoảng 21.301 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cuối năm 2023. Tổng tài sản của Home Credit Việt Nam đạt 28.308 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm ngoái. Dư nợ trái phiếu khoảng 3.500 tỷ đồng, gấp ba lần so với thời điểm cuối năm ngoái.

Chỉ tiêu an toàn vốn của Home Credit Việt Nam vào cuối quý II ở mức gần 25%, cao hơn đáng kể so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là 9%. Trước đó, ngày 28/2/2024, Ngân hàng SCB X của Thái Lan chính thức xác nhận việc mua lại 100% vốn điều lệ của Home Credit Việt Nam. Tổng giá trị của thương vụ là 20.973 tỷ đồng (tương đương 31 tỷ baht hay 860 triệu USD). Thương vụ trên dự kiến sẽ hoàn tất vào nửa đầu năm 2025, tùy thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Theo thông cáo của SCB X, Home Credit đang có thị phần lớn thứ hai trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, tương đương khoảng 14% tính đến ngày 30/6/2023.

Tại FE Credit – trực thuộc VPBank, cũng ghi nhận sự phục hồi tích cực trong nửa đầu năm nay. VPBank cho biết, theo đà phục hồi của cầu tiêu dùng, tín dụng cốt lõi từ mảng tài chính tiêu dùng của FE Credit quý II/2024 tăng 3,5% so với cuối quý IV/2023. Doanh số giải ngân trong quý tăng 9% so với quý trước đó và lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo VPBank, hoạt động tái cấu trúc toàn diện nhằm cải thiện chất lượng danh mục, tăng cường hiệu quả thu hồi nợ và tối ưu bộ máy vận hành từng bước đưa công ty FE Credit tìm lại chu kỳ tăng trưởng mới.

Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 146,4 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế là 117,9 tỷ đồng, tăng gần 58%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, EVNFinance ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 310,7 tỷ đồng, tăng gần 56%. Lợi nhuận sau thuế tương ứng là 249 tỷ đồng, tăng gần 56%.

Như vậy, sau 6 tháng, EVNFinance đã thực hiện được 53,1% kế hoạch lợi nhuận năm. Cả năm 2024, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận 585 tỷ đồng, tăng 43% so với kết quả thực hiện năm 2023.

Lotte Finance Vietnam, chi nhánh tại Việt Nam của Lotte Card đã ghi nhận lợi nhuận 500 triệu won vào tháng trước, qua đó chấm dứt chuỗi 6 năm lỗ liên tiếp kể từ năm 2018, khi công ty phát hành thẻ Hàn Quốc này mua lại Techcom Finance, một công ty cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng Việt Nam, để thành lập công ty tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết, tính cuối tháng 6/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống đạt khoảng 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

NHNN đánh giá, tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức.

Các chuyên gia tài chính – ngân hàng kỳ vọng nền kinh tế phục hồi dần nửa cuối năm 2024 sẽ là cơ hội thúc đẩy đà tăng trưởng của nhóm công ty tài chính tiêu dùng, bởi thu nhập hộ gia đình được nâng cao, sức mua quay trở lại.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn