Bức tranh lợi nhuận ngân hàng dần hé lộ: Lần đầu tiên có ba nhà băng lãi vượt tỷ đô
2023 là một năm đầy thách thức với ngành ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, tiền bị “ế” trong khi chất lượng tài sản đi xuống, nợ xấu tăng cao.
Nền kinh tế còn yếu, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đóng băng ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh doanh của các nhà băng. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng tham gia vào nỗ lực giảm lãi suất cho vay và huy động để hỗ trợ nền kinh tế, khiến biên lãi thuần (NIM) thu hẹp, ảnh hưởng tới khả năng sinh lời.
Tuy vậy, nhiều nhà băng vẫn ghi nhận kết quả tích cực và cán đích với các mục tiêu lợi nhuận, huy động vốn, tín dụng … Đặc biệt hơn nữa, trong năm 2023, ngoài Vietcombank còn xuất hiện thêm hai ông lớn khác lọt top lợi nhuận tỷ USD.
Ba ông lớn Big4 lãi tỷ đô
Ngày 6/1, ba ngân hàng thương mại quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV đều tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai mục tiêu năm 2024.
Trong đó, Vietcombank tiết lộ lợi nhuận trước thuế của tăng 10,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 100,3% kế hoạch năm 2023. Trong đó, thu nhập từ lãi của Vietcombank tăng 0,4% so với cùng kỳ, còn thu nhập ngoài lãi giảm 4,6%. Thu nợ ngoại bảng trong năm đạt 2.088 tỷ đồng.
Từ con số trên, có thể ước tính lợi nhuận trước thuế riêng lẻ trong năm 2023 của Vietcombank ở mức hơn 40.400 tỷ đồng. Với kết quả trên, nhiều khả năng Vietcombank sẽ tiếp tục giữ vững danh hiệu quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng.
Huy động vốn thị trường 1 của Vietcombank đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 29,8%, quy mô vốn không kỳ hạn bình quân giảm 3,6% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng của Vietcombank ở mức 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% trong năm.
Ngân hàng cũng cho biết tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,42% còn nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) ở mức 0,97%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 185%.
BIDV xếp ở vị trí thứ hai với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 đạt 26.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận hợp nhất tăng 18,8%.
Vào cuối năm 2023, tổng tài sản của BIDV đạt 2,26 tỷ đồng, tiếp tục nhà ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2022.
Dư nợ tín dụng ở mức 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%. Kết quả này cao hơn trung bình của toàn nền kinh tế (13,5%) cũng như dẫn đầu trong nhóm Big4. BIDV cũng tiết lộ tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 192%.
Trong khi đó, VietinBank nhiều khả năng về chót bảng trong nhóm Big4 khi xét về lợi nhuận. Tại Hội nghị tổng kết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) VietinBank Trần Minh Bình cho biết ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm 2023.
Vào tháng 10, HĐQT ngân hàng công bố kế hoạch năm 2023 với con số lợi nhuận riêng lẻ trước thuế là 22.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước (20.352 tỷ) và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.
Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và đứng thứ hai trong Big4. Huy động vốn của VietinBank tăng thêm 13,7%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27%.
Cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức 1,15%, giảm 0,09 điểm % so với cuối năm 2024. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngân hàng ở mức 160%.
Trước đó, Agribank cũng đã đăng tải một số thông tin về tình hình kinh doanh trong năm 2023.
Cụ thể ngân hàng ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm trước. Con số này thấp hơn mục tiêu mà ngân hàng đã đề ra vào cuối tháng 5/2023 là 26.200 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát dưới 2%.
Nhiều ngân hàng cổ phần đã về đích
Trước khi các ông lớn công bố kêt quả kinh doanh, nhiều ngân hàng cổ phần cũng đã hé lộ những ước tính lợi nhuận cả năm 2023.
Trong đó, Sacombank dự báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so năm trước và đạt 100% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng, cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng.
Các tỷ lệ an toàn hoạt động và chỉ số tài chính được cân bằng giữa mục tiêu an toàn và hiệu quả: Tỷ lệ CAR ước đạt 9,45%, tỷ lệ LDR ước đạt 83%, tỷ lệ NIM ước đạt 3.88%, các chỉ số ROA, ROE lần lượt ước đạt 1,21% và 18,03%, tăng 0,3 và 4,2%.
Trong tài liệu xin ý kiến cổ động về việc chia cổ tức, VIB cho biết theo mô hình tài chính và dự báo khả thi, lợi nhuận sau thuế cả năm của ngân hàng sẽ đạt 8.640 tỷ đồng.
Với mức thuế suất 20% áp dụng cho các tổ chức tín dụng, có thể ước tính lợi nhuận trước thuế của VIB là 10.800 tỷ đồng.
Kết quả này gần tương đương với dự báo mà lãnh đạo ngân hàng đã đưa ra trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 10 nhưng thấp hơn so với mục tiêu 12.200 tỷ đồng được đặt ra trong Đại hội đồng cổ đông 2023. Nếu so sánh với kết quả năm ngoái, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm tăng nhẹ, trong khi lợi nhuận quý IV lại đi xuống.
Ngày 22/12, trong Hội nghị tổng kết, PVcomBank cũng cho biết trong năm doanh thu ngân hàng ước đạt 129% kế hoạch giao, lợi nhuận trước thuế ước đạt 100% kế hoạch, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lớn hơn 8%.
Theo kế hoạch năm 2023, PVcombank đặt mục tiêu doanh thu ngân hàng mẹ đạt 15.025 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng. Với ngân hàng hợp nhất, kế hoạch doanh thu là 15.559 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 109 tỷ đồng.
Xem thêm tại vietnambiz.vn