Bức tranh lợi nhuận ngân hàng: Lợi thế của Big 4

Empty

Vietcombank tiếp tục dẫn đầu mức lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống ngân hàng. Ảnh: NH

Cho đến nay, đã có 6 ngân hàng thương mại chủ động công bố một số thông tin sơ lược về kết quả kinh doanh năm 2023 với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế thấp hơn năm 2022 nhưng vẫn đạt kế hoạch đề ra. Kết quả này được cho là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, 4 nhà băng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) đều có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, từ 10-19%.

Cụ thể, dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của nhóm Big4 là BIDV. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của nhà băng này năm 2023 đạt trên 27.400 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2022.

Tiếp theo là VietinBank, Agribank và VCB với mức lợi nhuận trước thuế lần lượt là 20.946 tỷ đồng (+16%); 25.400 tỷ đồng (+14%); 41.265 tỷ đồng (+10,4%).

Mức tăng trưởng lợi nhuận này tuy thấp so với năm 2022 nhưng được đánh giá là tích cực trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp cho đến tháng cuối năm 2023.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần có mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến tương đương nhóm Big4 gồm: ACB, HDB, MB Bank, OCB, Sacombank. Trong đó, Sacombank bứt tốc, dự kiến tăng trưởng lợi nhuận lên tới 50%. Các ngân hàng còn lại có mức tăng trưởng lợi nhuận từ 14-17% so với năm 2022.

Kết quả lợi nhuận của 10 ngân hàng nêu trên cho thấy hình ảnh khả quan ngành ngân hàng năm 2023. Nhưng nhìn chung toàn ngành thì kết quả lại ngược lại. Ngoại trừ 10 ngân hàng nêu trên, số đông các nhà băng khác đang đứng trước nguy cơ lợi nhuận sụt giảm mạnh, không chỉ với nhóm nhà băng có quy mô vốn nhỏ, mà ngay cả một số NHTM có quy mô lớn, từng là ngôi sao sáng trong vài năm trở lại đây cũng đối mặt với khó khăn.

Theo một ước tính gần đây của SSI, một số ngân hàng lớn dự kiến lợi nhuận trước thuế giảm mạnh như VPBank (-43,4%); TCB (-13,5%); TPB (-15,5%). 

Bức tranh lợi nhuận phân hoá chủ yếu do sự phục hồi yếu của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dẫn tới tín dụng tăng của nhóm này trưởng thấp (đây cũng là một phần nguyên nhân chính dẫn tới tín dụng toàn ngành 11 tháng đầu năm tăng trưởng rất thấp), trong khi đó nợ xấu tăng cao gây áp lực lên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, ăn mòn lợi nhuận các nhà băng.

Nhìn chi tiết hơn vào kết quả kinh doanh năm 2023 của nhóm NHTM quốc doanh có thể thấy một điểm đáng lưu ý là tiền huy động chảy mạnh vào nhóm này với lãi suất thấp hơn nhóm NHTM cổ phần. Trong khi đó, nhóm này cũng có lợi thế trong giải ngân các khoản cho vay có lãi suất ưu đãi, giúp tăng trưởng tín dụng tốt, giúp cải thiện hệ số NIM. Động lực tăng trưởng chính là tăng trưởng tín dụng, NIM ổn định và dự phòng được kiểm soát.

Trong khi đó, nhóm NHTM tư nhân lớn lại đang phải loay hoay với bài toán trích lập dự phòng, thị trường cho vay bị thu hẹp, tăng trưởng tín dụng (thực chất) không cao, giá vốn cao. 

Chia sẻ tại sự kiện tổng kết ngành ngân hàng đầu năm 2024, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cho biết, lãi suất trên thị trường giảm nhanh chóng trong thời gian qua, hiện về mức thấp nhất trong vòng 20 năm, thấp hơn khá xa giai đoạn trước COVID-19.

Tuy nhiên, luôn có độ trễ trong thời gian giảm lãi suất huy động và cho vay. Cụ thể, cơ cấu tài sản các NHTM hiện nay, có khoảng 80% nguồn vốn là huy động ngắn hạn và trên 50% là dư nợ tín dụng là cho vay trung - dài hạn. Do đó, lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ giảm chậm hơn và mới bắt đầu ở các khoản vay mới, còn các khoản vay cũ phải có thêm thời gian. 

Nói một cách nôm na, các chuyên gia cho biết, sẽ mất khoảng 3-6 tháng để các NHTM có thể cân đối nguồn vốn và lãi suất giảm từ huy động sang cho vay. 

Nhóm NHTM quốc doanh luôn là các nhà băng dẫn đầu trong các phong trào giảm lãi suất theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Điều này thực chất là lợi thế trong bối cảnh huy động tăng mạnh nhưng tín dụng lại tăng trưởng chậm (dù lãi suất huy động rất thấp). Nhà băng nào có thể đẩy tín dụng thành công ra nền kinh tế thì sẽ có lợi nhuận. Còn ngược lại, nếu nhà băng nào đẩy mạnh hút vốn bằng lãi suất cao, lại không thể đẩy vốn vào các kênh mong muốn thì kết quả kinh doanh chắc chắn sẽ sụt giảm do chi phí lãi tăng cao. 

Về cơ bản, năm 2024, tình hình chung được cho là có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Theo SSI tính toán, trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP có thể phục hồi trong khoảng từ 6,0% - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ trở lại đây và NHNN sẽ có ứng phó linh hoạt trong cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu. Theo ước tính, tăng trưởng LNTT năm 2024 của nhóm 10 ngân hàng dẫn dầu về quy mô tài sản dự kiến tăng 15,4% so với năm 2023 - đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023.

Xem thêm tại nhadautu.vn