Bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2023: Có tăng, có giảm, có lỗ...
Nơi tăng, nơi giảm, nơi ghi nhận lỗ
Theo công bố mới nhất từ khoảng 20 ngân hàng đã có kết quả kinh doanh hoặc ước tính kết quả kinh doanh, có khoảng 7 ngân hàng đạt lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng. Đó là nhóm 4 ngân hàng “big 4” gồm: Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank và 3 ngân hàng TMCP gồm ACB, MB và Techcombank.
Vietcombank đang dẫn đầu toàn ngành với lợi nhuận hợp nhất năm 2023. Trước đó, tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh, lãnh đạo ngân hàng này cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 10,2%, nên theo tính toán từ số liệu kết quả kinh doanh năm 2022 là 37.368 tỷ đồng thì lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2023 đạt khoảng 41.200 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều chỉ số kinh doanh khác của ngân hàng này cũng khả quan khi huy động vốn tăng 12,1%, dư nợ tín dụng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022; chất lượng nợ được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu ở mức khoảng 0,97% tổng dư nợ…
Theo sau là BIDV với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.400 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Trong khi đó, MB đang vươn lên đứng thứ 3 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và hoàn thành 100% kế hoạch. Về chất lượng tài sản, tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của MB đạt mức 943.000 tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,6% tổng dư nợ.
Mặc dù Techcombank là ngân hàng hiện đang xếp thứ 6 về lợi nhuận và đạt trên 20.000 tỷ đồng nhưng kết quả này vẫn giảm 15% so với năm 2022 từ mức gần 25.568 tỷ đồng xuống hơn 22.888 tỷ đồng. Chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2023 mới đây, đại diện Techcombank cho biết, ngân hàng vẫn ghi nhận thu nhập từ các hoạt động khác tích cực như dịch vụ thẻ, thanh toán, ngoại hối, chứng khoán… nhưng chi phí dự phòng tăng do quy mô tín dụng tăng và ngân hàng cũng đã chủ động dùng nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu.
Có thể thấy, năm 2023 dù được nhận định là chịu nhiều tác động tiêu cực từ nền kinh tế nhưng nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng và tăng trưởng ở mức 2 con số. Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng đi lùi về lợi nhuận, thậm chí ghi nhận thua lỗ trong quý 4/2023, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận cả năm 2023.
Chẳng hạn, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm tới 67% trong quý 4/2023 và giảm 29% trong cả năm 2023, chỉ còn khoảng 5.590 tỷ đồng. PGBank lỗ gần 5 tỷ đồng trong quý 4/2023, trong khi cùng kỳ lãi gần 95 tỷ đồng khiến cả năm lợi nhuận sụt giảm 30%, chỉ đạt 355 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía PGBank, nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương chung, trong khi chi phí huy động chưa giảm do độ trễ và tăng trưởng tín dụng của PGBank tập trung vào tháng cuối năm 2023. Ngoài ra, PGBank chi trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng làm chi phí hoạt động tăng.
Các ngân hàng giảm lợi nhuận còn có thể kể đến BVBank giảm tới hơn 84% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn khoảng 72 tỷ đồng cả năm 2023; ABBank giảm gần 70%, còn 513 tỷ đồng. Mặc dù NCB tiếp tục ghi nhận lợi nhuận âm nhưng nhiều chỉ tiêu về kinh doanh vẫn tăng trưởng tốt và duy trì ổn định như kinh doanh ngoại hối tăng gần 142%, tổng tiền gửi khách hàng tăng 7,7% so với cuối năm 2022… NCB cũng cán mốc 1 triệu khách hàng và đạt hơn 96.249 tỷ đồng tổng tải sản, tăng khoảng 7% so với cuối 2022 và vượt kế hoạch đề ra.
2 thực tế khiến kết quả kinh doanh chưa như kỳ vọng
Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình kinh doanh và lợi nhuận của các tổ chức tín dụng trong năm 2023, các tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng. Không ít ngân hàng bày tỏ, việc thực hiện các chính sách ưu đãi về lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận.
Thông cáo của ABBank cũng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả kinh doanh năm 2023 không đạt được như kỳ vọng đã phản ánh hai thực tế, một là sự khó khăn của thị trường đã ảnh hưởng sâu rộng tới hệ thống tài chính ngân hàng, hai là bộ máy tổ chức và cơ chế hoạt động của ABBank chưa hiệu quả khiến kết quả kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng.
Đặc biệt, năm 2023, khó khăn chung của nền kinh tế đã khiến nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lên trích lập dự phòng rủi ro. Chẳng hạn, nợ xấu tại Techcombank tăng gần gấp đôi về giá trị tuyệt đối từ mức 3.032 tỷ đồng lên mức gần 6.000 tỷ đồng, nhưng do tổng dư nợ tín dụng ở mức cao nên tỷ lệ nợ xấu hiện ở mức 1,19%. Còn tại TPBank, tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2023 ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng, gấp 3 lần so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng lên hơn 2%. Tại BVBank, nợ xấu cũng tăng khoảng 35% so với năm 2022, ACB nợ xấu tăng mạnh tới 93%. Nợ xấu của BacABank tăng tới 78%...
Theo các chuyên gia, năm 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng. Theo ước tính của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán VCBS dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì mức 12% trong năm 2024, nên dự báo có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng trong 2024 với mức tăng trưởng khoảng 10%, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Còn theo kết quả điều tra của NHNN, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý 1/2024 và cả năm 2024 nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn