"Bước đi" EraBlue của MWG cần thêm điều kiện đủ để trở thành "Điện Máy Xanh thứ hai" tại Indonesia

Sau gần 15 năm hoạt động, chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh thuộc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) đã chứng tỏ vị thế ngày càng quan trọng, hiện doanh thu từ toàn chuỗi chiếm tỷ trọng phân nửa trên tổng doanh thu của tập đoàn.

Kế thừa những kinh nghiệm có được, MWG đã thử nghiệm mở chuỗi EraBlue tại thị trường Indonesia, thông qua liên doanh với Công ty PT Erafone Artha Retailindo (Erafone) - công ty con của Tập đoàn Erajaya, trong đó MWG nắm giữ 45% cổ phần.

Theo tìm hiểu, EraBlue được xây dựng theo dạng chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ các thiết bị điện tử tiêu dùng tại Indonesia tương tự như mô hình Điện Máy Xanh tại Việt Nam. EraBlue được kỳ vọng sẽ trở thành nhà bán lẻ điện máy hàng đầu tại Indonesia, góp phần nối dài chuỗi tăng trưởng cho MWG trong tương lai.

Trong báo cáo mới công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng Việt Nam là tấm gương thành công phản chiếu tiềm năng của thị trường điện máy Indonesia. Ngược về quá khứ, công thức thành công của chuỗi Điện Máy Xanh dựa trên việc tham gia vào giai đoạn “tiền bùng nổ” 2010-12 của thị trường điện máy; cộng thêm sử dụng hai chiến lược (1) siêu thị mini len lỏi trong dân và (2) tạo điểm trội trong dịch vụ khách hàng so với các chuỗi thời bấy giờ thông qua dịch vụ cho vay tiêu dùng và dịch vụ lắp đặt, bảo hành.

Hiệu quả của công thức nhanh chóng được chứng minh khi thị trường điện máy bùng nổ mạnh sau đó nhờ thu nhập tăng song song yêu cầu cao hơn trong chất lượng cuộc sống người dân và Điện Máy Xanh là cái tên đi đầu với CAGR doanh thu của chuỗi trong giai đoạn 2012-17 đạt 91,4%/năm.

“Bước đi” EraBlue hợp lý so với những lần xuất ngoại trước đó của MWG

VDSC đánh giá so với lần “xuất ngoại” gần nhất tại Campuchia, bước đi EraBlue của MWG nhằm thâm nhập vào thị trường điện máy Indonesia là hợp lý hơn. Thị trường Indonesia đang ở thời điểm dễ bùng nổ trong thời gian tới và có dung lượng tiềm năng lớn hơn nhiều so với cả Việt Nam và Campuchia.

Cụ thể, trong mảng điện máy, tỷ lệ thâm nhập ở mức thấp (dưới 50%) ở hầu hết các phân khúc chính như tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, TV. Dân số Indonesia cũng gấp 2,7 lần so với Việt Nam tính đến 2023, do đó việc khai phá hết tiềm năng thị trường này với tỷ lệ thâm nhập đạt mức giới hạn >80% giúp doanh thu công nghệ thông tin truyền thông có thể gấp 2,6 lần thị trường Việt Nam.

"Bước đi" EraBlue của MWG cần thêm điều kiện đủ để trở thành "Điện Máy Xanh thứ hai" tại Indonesia- Ảnh 1.

Đặc biệt, điện máy thường vào pha tăng trưởng sau khi thị trường công nghệ thông tin truyền thông đi vào pha bão hòa được xem như “nấc thang mới” trong tiện ích cuộc sống của người dân. Bước đi của Thế giới Di động (tại Việt Nam) và Erajaya (tại Indonesia) về khẩu vị thị trường là tương đồng khi đánh chiếm thị trường công nghệ thông tin trước, tạo bàn đạp cho mở rộng sang thị trường điện máy sau đó. Do đó, EraBlue có tiềm năng để giật thị phần trong miếng bánh điện máy ~70% từ các cửa hàng nhỏ lẻ/chuỗi bán lẻ khác nhờ vào công thức thành công từ Điện Máy Xanh và kinh nghiệm vận hành từ Erajaya.

"Bước đi" EraBlue của MWG cần thêm điều kiện đủ để trở thành "Điện Máy Xanh thứ hai" tại Indonesia- Ảnh 2.

Theo VDSC, điều kiện “cần” cho EraBlue thành công đã có (yếu tố thị trường), tuy nhiên, chuỗi vẫn cần thêm điều kiện “đủ” đến từ sức cạnh tranh đối với các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống, các nhà bán lẻ khác và các nền tảng trực tuyến ở Indonesia, để trở thành “Điện Máy Xanh thứ hai” theo mục tiêu lớn của ban lãnh đạo MWG đề ra.

Do đó, công thức thành công của chuỗi Điện máy xanh đã được MWG & Erajaya sử dụng lại cho chuỗi điện máy Erablue, bao gồm siêu thị mini (dưới 1.000 m2) để len lỏi trong dân dễ dàng cho việc phục vụ khách hàng và tạo “sức ảnh hưởng thương hiệu”. EraBlue cũng cung cấp dịch vụ giao hàng, bảo hành nhanh chóng và chuẩn xác, khởi tạo website cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm: đặc tính, tên, giá cả nhằm thu hút khách hàng đến chuỗi cửa hàng vật lý.

VDSC đánh giá các chuỗi cửa hàng vật lý trong trung tâm thương mại như Electronic City hay Hartono không phải đối thủ lớn nhất của MWG tại Indonesia. Thay vào đó, sự lớn mạnh nhanh của các nền tảng mua hàng trực tuyến tại quốc gia này như Shopee, Lazada, Tik Tok Shop, là điểm cản trở nhất cho việc nhân rộng mô hình EraBlue. Tăng trưởng của chuỗi phụ thuộc nhiều vào tốc độ chuyển đổi mua hàng sang các trang thương mại điện tử, vốn có lợi thế về giá và đang tăng trưởng “thần tốc” về mặt hàng điện máy, tương tự như thị trường Việt Nam.

"Bước đi" EraBlue của MWG cần thêm điều kiện đủ để trở thành "Điện Máy Xanh thứ hai" tại Indonesia- Ảnh 3.

Theo cập nhật từ MWG, EraBlue hiện đang ghi nhận mức lỗ ròng ước tính trong quý 1 và quý 2/2024 lần lượt là 53 tỷ đồng và 71 tỷ đồng. Số lượng cửa hàng cũng tăng lên mức 75 tại cuối tháng 9 và dự kiến cán mốc 85 vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO của Thế giới Di động, các số liệu kinh doanh các tháng gần đây là tích cực. Theo ông Hiểu Em, chỉ sau khoảng 18 tháng gia nhập thị trường, chuỗi EraBlue đã vượt điểm hòa vốn và có lãi trong vòng 5 tháng liên tiếp.

“So với tất cả các chuỗi đàn anh trước đó, để mở ra đạt điểm hoà vốn và có lời phải mất nhiều năm nhưng với EraBlue chỉ cần 1,5 năm là đạt được kết quả này. Các cửa hàng EraBlue hiện có doanh thu gần như gấp đôi so với các cửa hàng Điện Máy Xanh có cùng diện tích tại Việt Nam. Cụ thể, mỗi cửa hàng EraBlue đang đem lại 2,5 - 4 tỷ đồng doanh thu/tháng/điểm bán”, lãnh đạo MWG cho biết.

Xem thêm tại cafef.vn