Cá mập ngoại nào gây ra lực bán đột biến phiên 8/7?

Quan sát cho thấy, lực bán của khối ngoại đẩy mạnh ngay trong phiên sáng 8/7 khác với diễn biến thường thấy trong giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài những ngày trước đó. Lực bán tập trung ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, không theo cấu trúc chỉ số và chủ yếu qua phương thức thỏa thuận.

Cụ thể, trong khung thời gian từ 10h50 đến 10h55, sàn HOSE chứng kiến 4 giao dịch thỏa thuận tại các mã cổ phiếu như HDB, STB, SAB, SCS. Khối ngoại sang tay thỏa thuận gần 19,4 triệu cổ phiếu HDB của HDBank tại mức giá 23.200 đồng/cp, tương đương giá trị gần 450 tỷ đồng. Mã SAB của Sabeco cũng bị bán hơn 3,1 triệu đơn vị tại mức giá 55.100 đồng/cp.

Trong cùng khoảng thời gian trên, cổ phiếu ACV cũng được trao tay gần 1,8 triệu cổ phiếu tại mức giá 117.400 đồng/cp, tổng giá trị giao dịch hơn 208 tỷ đồng.

Phía bên mua vào của các giao dịch thỏa thuận trên đều là nội khối.

Giao dịch đột biết của khối ngoại trong phiên sáng 8/7. Nguồn: VNDirect.

Hệ quả từ giao dịch có tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng này đã nâng tổng giá trị rút ròng của khối ngoại trên toàn thị trường phiên hôm qua lên gần 2.500 tỷ đồng. Trong đó, quy mô rút ròng trên HOSE gần 2.320 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây và gấp 7 lần phiên trước đó. Giá trị bán ròng trên thị trường UPCoM đạt hơn 175 tỷ đồng, chủ yếu từ giao dịch cổ phiếu ACV.

Theo một nguồn tin xác tín người viết có được, giao dịch thỏa thuận những cổ phiếu trên đến từ một quỹ đầu tư đến từ Thái Lan.

Kinh nghiệm theo dõi lâu năm trên thị trường, ông N.V.H.T, một môi giới khách hàng tổ chức tại công ty chứng khoán top đầu cho biết những lệnh bán đưa ra trong một khung thời gian ngắn đi kèm lượng giao dịch lớn thường liên quan đến một “đầu bán”, có thể là quỹ đầu tư, p-notes…

Chia sẻ từ một nhà quản lý quỹ từ Thái Lan đang điều hành một quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam, người này cho biết động thái bán ròng từ quỹ xuất phát từ vấn đề thuế đầu tư nước ngoài của khách hàng tại quỹ.

“Trong một thời gian tới lực bán từ quỹ Thái Lan có thể tiếp tục diễn ra cho đến khi hoạt động tái cấu trúc danh mục đầu tư kết thúc. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá lo lắng, quyết định bán không đồng nghĩa việc rời bỏ thị trường”, vị này nói.

“Chúng tôi vẫn ở đây và hoạt động hết công suất của quỹ và không có bất kỳ kế hoạch nào cho việc rời khỏi thị trường”.

Nhìn lại lịch sử giao dịch, nhà đầu tư Thái Lan bắt đầu bán ròng mạnh cổ phiếu Việt Nam từ cuối năm 2023 khi “xứ chùa vàng” triển khai chính sách thuế mới sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024. Thái Lan sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài lũy tiến giống như thuế thu thập cá nhân của Việt Nam.

Từ ngày 1/1/2024, quy định mới cho phép các cơ quan chức năng Thái Lan đánh thuế thu nhập từ nước ngoài của các cá nhân nếu họ là cư dân Thái Lan tối đa 180 ngày/năm và kiếm thu nhập ở nước ngoài từ công việc hoặc tài sản trong năm đánh giá cụ thể.

Quy định mới sẽ hướng đến ba nhóm đối tượng gồm, cư dân giao dịch trên thị trường chứng khoán nước ngoài thông qua các công ty môi giới nước ngoài, nhà giao dịch tiền điện tử và những người lợi dụng lỗ hổng pháp lý cho phép chuyển thu nhập từ nước ngoài về nước miễn thuế.

Chính sách thuế mới này đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán đang rót vốn hàng tỷ USD vào cổ phiếu Việt Nam. Theo dữ liệu của người viết, 10 công ty quản lý quỹ, quản lý tài sản của Thái Lan hoạt động sôi động nhất với cổ phiếu Việt Nam đang vận hành khoảng 30 quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư tư nhân với tổng tài sản quản lý hơn 40 tỷ baht (khoảng 28.000 tỷ đồng).

Những quỹ đầu tư quy mô lớn có thể kể đến như K Vietnam Equity Fund, Principal Vietnam Equity Fund A, Private fund model VN Alpha – InnovestX, Krungsri Vietnam Equity Fund–A.

Trong số những quỹ lớn, có thể một đơn vị đang có quy mô tài sản khoảng 7,2 tỷ baht, tương đương gần 5.000 tỷ đồng có khả năng đã ra quyết định bán trong thời gian này.

Xem thêm tại vietnambiz.vn