Cá mập Nhật Bản chi hàng trăm tỷ 'thâu tóm' Dược Hà Tây

Cổ đông Nhật liên tục gia tăng sở hữu

ASKA Pharmaceutical Co., Ltd, cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT), đã hoàn tất giao dịch mua thêm 1,41 triệu cổ phiếu DHT theo kế hoạch trong giai đoạn từ ngày 20/12/2024 đến 9/1/2025.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cổ đông này tăng từ 38,23% lên 39,94%, tương đương gần 32,9 triệu cổ phiếu. Dựa trên mức giá đóng cửa trung bình của cổ phiếu DHT trong thời gian giao dịch, ước tính ASKA Pharmaceutical đã chi khoảng 133,6 tỷ đồng để thực hiện thương vụ này.

Trước đó, từ ngày 03/12 đến 10/12/2024, cổ đông Nhật Bản này cũng đã chi hơn 172,4 tỷ đồng để mua vào gần 2,2 triệu cổ phiếu, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 35,61% lên 38,23%. Đáng chú ý, lượng cổ phiếu mua vào trong thời gian này trùng với khối lượng giao dịch thỏa thuận diễn ra trong phiên ngày 10/12. Không ngoại trừ khả năng đây là giao dịch sang tay của ASKA Pharmaceutical với nhà đầu tư khác.

Tổng cộng, nhà đầu tư Nhật Bản này đã chi ra hơn 300 tỷ đồng để đưa tỷ lệ sở hữu tại Dược Hà Tây lên tiệm cận mức 40%. Ở thời điểm quý III/2024, ASKA Pharmaceutical gây chú ý khi chào mua 9.000 cổ phiếu DHT để tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 35,001%, chính thức nắm quyền phủ quyết tại công ty dược phẩm này.

Diễn biến cổ phiếu DHT trong 1 năm qua

Những tưởng ASKA Pharmaceutical sẽ dừng việc gom cổ phiếu DHT khi tỷ lệ vượt mốc 35%, tuy nhiên cổ đông này không ngần ngại tiếp tục chi thêm hàng trăm tỷ đồng để gia tăng tỷ lệ sở hữu. Với tỷ lệ nắm giữ hiện tại, ASKA Pharmaceutical còn cách mốc sở hữu quan trọng tiếp theo (trên 50%) khoảng 10%.

Nếu cá mập Nhật Bản nhắm tới việc nắm quyền chi phối tại Dược Hà Tây, việc gom thêm cổ phiếu DHT sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Thị giá của DHT đã tăng khá mạnh trong thời gian qua, ghi nhận tăng gấp 3,5 lần so với thời điểm 1 năm trước. Để tiếp tục mua DHT, ASKA Pharmaceutical có thể phải trích hầu bao hàng trăm tỷ đồng để tiến tới mốc chi phối.

Ông Lê Xuân Thắm, Thành viên HĐQT Dược phẩm Hà Tây từng chia sẻ trong ĐHĐCĐ bất thường năm 2020, việc liên kết với ASKA Pharmaceutical sẽ có nhiều thuận lợi cho Dược phẩm Hà Tây vì đối tác là một nhà sản xuất dược phẩm top 17 Nhật Bản, có 4 phân xưởng tại thành phố Iwaki tỉnh Fukushima, 1 trong 4 phân xưởng này đã đạt tiêu chuẩn PIC/S Nhật Bản.

Các cổ đông lớn khác tại Dược Hà Tây là bà Lê Việt Linh, thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc (nắm giữ 7,06% vốn) và ông Lê Văn Lớ, chủ tịch HĐQT (nắm 6,25% vốn).

Cũng trong ngành dược phẩm, trái với động thái của ASKA Pharmaceutical tại Dược Hà Tây, tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP), cổ đông lớn nhất của công ty dược này là SK Group (Hàn Quốc) lại đang xem xét để thoái toàn bộ 65%. Động thái này nằm trong chiến lược chung tái cơ cấu danh mục đầu tư của Quỹ tập trung vào các ngành được cho là có tiềm năng như sản xuất chip, bán dẫn, pin…

Ngành dược dự báo tăng trưởng ổn định

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành dược đã và đang được tháo gỡ nhiều bất cập và rào cản tồn tại trong năm 2024, bao gồm việc cấp mới và gia hạn đăng ký lưu hành thuốc tăng vọt sau giai đoạn bị gián đoạn kéo dài trước đó. Hai Luật mới được thông qua là Luật Dược sửa đổi bổ sung và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung thể hiện những nỗ lực cải cách của cơ quan bộ ngành, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh ngành dược và thu hút sự tham gia bảo hiểm y tế trong tương lai.

Trong 9 tháng năm 2024, các doanh nghiệp dược ghi nhận doanh thu tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 2,1% so với cùng kỳ, tuy nhiên đa phần ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm ở mức trung bình 13,1% do giá đầu vào tăng, và nhu cầu cho sản phẩm kênh OTC yếu, trong khi vẫn phải duy trì một số chi phí cố định.

Sang năm 2025, VDSC cho rằng kênh ETC tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành, trong đó cuộc đua "lên chuẩn"sẽ là trọng điểm chiến lược của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí nguyên liệu đầu vào được dự báo tiếp tục tăng do vấn đề nguồn cung, chi phí vận chuyển và tỷ giá tăng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

VDSC kỳ vọng quy mô thị trường dược phẩm kỳ vọng tăng lên mức 242.189 tỷ đồng (10,5 tỷ USD) vào năm 2025, tăng 10,2% so với cùng kỳ nhờ việc Việt Nam đang chuyển dần sang giai đoạn dân số già, nhận thức ngày càng tăng về phòng - chữa bệnh sau dịch Covid-19, và thu nhập bình quân đầu người tăng.

Kênh ETC là động lực tăng trưởng chính, gia tăng tỷ trọng doanh thu từ mức 37,1% năm 2023 lên 39% năm 2025, đạt 94.787 tỷ đồng (3,8 tỷ USD), tăng 12,9% so với cùng kỳ nhờ vào việc nâng cấp cơ sở vật chất và dịch vụ của các bệnh viện công và tư, và mục tiêu mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế.

VDSC cho rằng việc Luật dược sửa đổi bổ sung tạo khung pháp lý minh bạch, rõ ràng, cụ thể hơn, theo hướng đảm bảo sức khỏe cho toàn dân, quyền tiếp cận thuốc với giá hợp lý, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dược trong nước, và hỗ trợ các sản phẩm dược nội địa chất lượng cao.

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và tăng mức phân bổ cho hoạt động khám, chữa bệnh; nhờ đó mở rộng độ phủ bảo hiểm y tế.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tác động của Luật Dược sửa đổi bổ sung và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung lên ngành dược sẽ chưa đáng kể trong năm 2025 do sẽ cần thời gian để chuyển những điều khoản khái quát của luật thành những văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành cụ thể”, các chuyên gia VDSC cho biết.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn