Cả năm 2023, Thép Nam Kim lãi 117 tỷ đồng
Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) vừa công bố báo cáo tài chính với doanh thu thuần quý cuối năm 2023 đạt 4.459 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giai đoạn này đạt 273 tỷ đồng, cải thiện vượt bậc so với mức lỗ gộp 210 tỷ đồng của cùng kỳ.
Chi phí bán hàng tăng 15% so với cùng kỳ, lên 175 tỷ đồng, nhưng bù lại chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần phân nửa, chỉ còn 23 tỷ đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, công ty báo lãi sau thuế quý IV đạt 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ đến 414 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm, Thép Nam Kim có doanh thu thuần 18.595 tỷ đồng, trong đó thị trường nội địa đóng góp khoảng 7.585 tỷ đồng và phần còn lại đến từ xuất khẩu. Doanh thu cả năm giảm gần 20% so với năm trước nhưng nhờ tiết giảm đáng kể các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp nên Thép Nam Kim lãi ròng 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 125 tỷ đồng.
Kết quả này không đủ giúp công ty hoàn thành mục tiêu được thông qua tại đại hội đồng cổ đồng thường niên. Khi đó, Thép Nam Kim đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 400 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 106,91 tỷ đồng, tức tăng thêm 506,91 tỷ đồng. Trong đó, ước tính tổng sản lượng là 940.000 tấn.
Khi đặt kế hoạch này, ban lãnh đạo công ty nhận định thị trường thép 2023 chưa thuận lợi để tăng trưởng, với biến động giá nguyên liệu đầu vào, chất đốt vẫn khó lường, thị trường bất động sản khó khăn và kinh tế toàn cầu giảm tốc. Mức độ cạnh tranh cũng ngày càng lớn, đặc biệt là các sản phẩm về tôn mạ và ống thép. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI được dự báo tăng trưởng chậm hơn dự kiến do ảnh hưởng của việc mất giá tiền tệ diễn ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty khi đó cho rằng "giai đoạn khó khăn nhất đã qua".
Tại thời điểm cuối năm, Thép Nam Kim có tổng tài sản hơn 12.235 tỷ đồng, giảm 1.225 tỷ đồng so với đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn chiếm 9.428 tỷ đồng trong cơ cấu tài sản của công ty. Giá trị hàng tồn kho giảm khoảng 1.300 tỷ đồng so với đầu năm, hiện còn khoảng 5.718 tỷ đồng.
Thép Nam Kim ghi nhận tổng nợ phải trả vào cuối năm là 6.812 tỷ đồng, giảm khoảng 1.330 tỷ đồng so với đầu kỳ. 99,5% dư nợ của công ty là các khoản ngắn hạn, trong đó nhiều nhất là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Công ty hiện có vốn chủ sở hữu 5.423 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 1.731 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán DSC, Thép Nam Kim đã lên kế hoạch mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp hơn thông qua dự án mới nhà máy Nam Kim Phú Mỹ tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhà máy này có công suất dự kiến là 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Ban đầu, nhà máy dự kiến xây dựng vào quý IV/2022 với tỷ lệ vốn chủ - nợ vay là 50:50. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty quyết định tạm dừng triển khai dự án do những lo ngại liên quan tới sản lượng tiêu thụ thấp.
Việc xây dựng nhà máy sẽ bắt đầu vào năm 2024 và kéo dài trong ba giai đoạn (mỗi giai đoạn 400.000 tấn) đến cuối năm 2026. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của công ty. DSC cho rằng, dự án này đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh và doanh thu của Nam Kim trong thời gian tới nhờ tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thép thấp trong nước, từ đó giúp ổn định biên lợi nhuận.
Xem thêm tại baodautu.vn