Các chủ thể cần phát huy hết khả năng, tâm huyết để phát triển nhà ở xã hội
Đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, về kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn.
Trong đó, dố lượng dự án hoàn thành là 72 dự án với quy mô 38.128 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 129 dự án với quy mô 114.934 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 298 dự án với quy mô 258.188 căn.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Đơn cử, Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TPHCM 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%;... Bên cạnh đó, một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Hà Giang, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình…).
Theo báo cáo, hiện nay đã có đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 08 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Về nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong triển khai phát triển nhà ở xã hội, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng chưa được nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ; một số dự án đã đủ điều vay vốn ưu đãi, tuy nhiên chưa được UBND cấp tỉnh rà soát để công bố danh mục được vay vốn ưu đãi…
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup cho biết, số lượng thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Cụ thể, các thủ tục chung như phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất thì dự án nhà ở xã hội phát sinh thêm các thủ tục về xác nhận các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội; thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội.
“Điều này dẫn đến các thủ tục thực hiện nhà ở xã hội kéo dài. Tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án nhà ở xã hội từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm”, ông Quang nhấn mạnh.
Không tạo điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp sẽ không hào hứng
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex nhấn mạnh, lãi vay cho người lao động vẫn còn cao; thời gian vay cho người lao động còn ngắn. Theo ông Quang, qua theo dõi, tìm hiểu, nếu chúng ta kéo dài thời gian vay cho người lao động thì sẽ tạo điều kiện lớn cho người lao động được sở hữu nhà ở xã hội.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết có một số khó khăn: khó khăn về rào cản pháp lý; khó khăn về giới hạn tỷ lệ lãi suất sinh lời của dự án…
Với khó khăn về nguồn vốn tài trợ dự án, ông Sơn cho biết, bản chất gói 120 nghìn tỷ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
“Mặc dù các ngân hàng thương mại dành nguồn lực ưu tiên cho chương trình nhưng mức lãi suất cho chủ đầu tư, người mua nhà vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn NSNN”, ông Đỗ Thanh Sơn nói.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn.
Cụ thể, nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội; một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án...
Mức lợi nhuận quy đinh tối đa chỉ 10% theo Luật Nhà ở năm 2023 với chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải là cao nếu mất thêm các chi phí tuân thủ khác. "Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để phát triển nhà ở xã hội, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", thủ tướng yêu cầu tất cả các chủ thể có liên quan phải phát huy hết khả năng, tâm huyết của mình, tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, sáng tạo, kịp thời, cộng với trách nhiệm, đạo đức xã hội để thực hiện tốt các công việc.
Trong đó, cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn