![]() |
Dữ liệu sơ bộ cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận trung bình toàn thị trường đang ở mức khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: DŨNG MINH |
Phân hóa trong bức tranh kinh doanh
Đánh giá chung về diễn biến thị trường, theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), kết quả kinh doanh quý I/2025 phản ánh bức tranh có nhiều điểm sáng, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn chiếm khoảng 40% giá trị thị trường với mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20%, tương đương mặt bằng chung. Các ngành dẫn dắt gồm ngân hàng, bất động sản và chứng khoán, trong đó nhóm ngân hàng tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc giữ nhịp tăng trưởng.
Lợi nhuận doanh nghiệp quý I/2025 tăng 20%, dù còn nhiều thách thứcChuyên gia từ YSVN cho biết, tính đến ngày 19/4, đã có hơn 200 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý I theo đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận trung bình toàn thị trường hiện đang ở mức khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số tương đối tích cực trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều áp lực, cả trong và ngoài nước. |
Tuy nhiên, bức tranh ở khối công ty chứng khoán lại kém khởi sắc hơn. Chuyên gia từ YSVN chỉ ra rằng, kết quả quý I nhìn chung khá khiêm tốn so với cùng kỳ, phản ánh sự trầm lắng của thị trường đầu năm - vốn trùng với kỳ nghỉ lễ dài. Tăng trưởng doanh thu toàn ngành chỉ đạt khoảng 5,6%, trong khi lợi nhuận ròng gần như đi ngang. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm mạnh ở mảng môi giới - từng là nguồn thu chủ lực, nay chịu áp lực lớn do cạnh tranh gay gắt và chi phí trả cho môi giới tăng cao. Không ít công ty, thậm chí ghi nhận lợi nhuận âm ở mảng này.
Cùng với đó, chính sách lãi suất thấp đang làm giảm biên lợi nhuận của mảng cho vay ký quỹ (margin). Cuộc cạnh tranh lãi suất không chỉ diễn ra giữa các công ty nhỏ mà còn lan rộng toàn ngành, buộc nhiều công ty phải giảm lãi suất để giữ chân khách hàng, kéo theo mức sinh lời sụt giảm. Song song với đó, mô hình sử dụng cộng tác viên cũng ngày càng phổ biến như một cách tối ưu chi phí và mở rộng nhanh tệp khách hàng - ngay cả các công ty lớn như SSI cũng không đứng ngoài cuộc đua này.
Cũng theo chuyên gia từ YSVN, một yếu tố phân hóa mạnh nữa là hoạt động tự doanh. Những công ty có chiến lược đầu tư tập trung, nhất là vào các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái quen thuộc, thường ghi nhận kết quả tích cực. Ngược lại, các doanh nghiệp đầu tư dàn trải hoặc nắm giữ tỷ trọng lớn các mã cổ phiếu có biến động mạnh như FPT lại gặp nhiều khó khăn khi những mã này không còn giữ được đà tăng như năm 2024.
Thêm vào đó, hiệu quả sử dụng vốn đang là vấn đề đáng lo ngại. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngành đã giảm xuống dưới 10% - mức thấp đáng báo động so với các năm trước. Việc tăng vốn quá nhanh trong khi thị trường chưa hấp thụ kịp khiến nhiều công ty buộc phải gửi vốn vào ngân hàng với lãi suất thấp hoặc đầu tư kém hiệu quả, gây áp lực lớn lên lợi nhuận tổng thể.
Kỳ vọng mới từ KRX
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Kinh doanh số tại Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, bức tranh ngành chứng khoán trong quý I có sự phân hóa rõ nét. Nhóm các công ty lớn như SSI, TCBS tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực, với tổng thể lợi nhuận tăng trưởng mạnh, một số công ty có thể tăng trưởng tới 90%. Điểm nổi bật là những doanh nghiệp có liên kết chặt với hệ sinh thái ngân hàng như VPBankS, MBS,... Lợi thế về nguồn vốn và khả năng triển khai các dịch vụ như cho vay ký quỹ hay phân phối trái phiếu qua ngân hàng đã giúp nhóm này bứt phá mạnh mẽ.
Dù vậy, không phải mọi công ty trong ngành đều thuận lợi. Chuyên gia từ VPBankS cũng chỉ ra 2 nhóm doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Nhóm thứ nhất là các công ty nhỏ, thiếu liên kết ngân hàng, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ môi giới và cho vay nhà đầu tư cá nhân – hai mảng đang chịu sức ép lớn từ cạnh tranh và thanh khoản yếu. Nhóm thứ hai là các công ty phụ thuộc vào tự doanh.
"Mặc dù thị trường quý I nhìn chung tích cực, nhưng không phải cổ phiếu nào cũng tăng giá. Những mã như FPT - từng đóng vai trò dẫn dắt nhưng nay lại gây áp lực lớn, khiến các công ty có tỷ trọng đầu tư lớn vào các cổ phiếu này như HCM, SHS ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm đáng kể" - chuyên gia từ VPBankS đánh giá.
Bước sang tháng 5, thị trường kỳ vọng vào hệ thống giao dịch mới KRX - được cho là có thể mang đến sự cải thiện về hạ tầng và thanh khoản cho ngành chứng khoán. Tuy nhiên, chuyên gia từ VPBankS nhận định tác động ngắn hạn, đặc biệt trong năm nay, có thể không rõ rệt.
“Yếu tố vĩ mô, đặc biệt là ảnh hưởng từ các chính sách thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ và các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sẽ quyết định thanh khoản thị trường. Vì vậy, kỳ vọng vào KRX là có cơ sở, nhưng cần phải nhìn nhận trong khung thời gian trung và dài hạn từ 1 đến 2 năm thay vì trông đợi vào những thay đổi ngay lập tức” - chuyên gia từ VPBankS nhận định./.