Các doanh nghiệp lớn kiến nghị gì trong cuộc gặp Thường trực Chính phủ

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương: "Làm gì thì cũng cố gắng đóng góp vào tăng trưởng"

Là người phát biểu đầu tiên, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương đã nhắc đến mục tiêu tăng trưởng 8% và cao hơn trong năm nay.

“Thaco đang làm gì thì cũng cố gắng đóng góp vào tăng trưởng này”, Chủ tịch Trần Bá Dương nói ngay lời đầu tiên. Không chỉ cam kết các kế hoạch cụ thể trong các ngành mà Thaco đang hoạt động cũng đã được ông đề cập chi tiết.

Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương

Trong ngành ô tô, sẽ tập trung vào xe lai, xe hybrid – xe vừa động cơ điện vừa động cơ xăng để phù hợp với điều kiện về hạ tầng và yêu cầu chuyển đổi.

Trong lĩnh vực cơ khí-công nghiệp hỗ trợ, vào tháng 9/2025 sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô 700 ha. “Hiện nay, tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp FDI rất cần các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện và thiết bị máy móc để giảm giá thành và chi phí logistics”, ông Dương nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông cho biết sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.

“Với lực lượng kỹ sư, cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu - phát triển sản phẩm cũng như hợp tác quốc tế, chúng tôi sẽ thực hiện chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và thể hiện rằng, sản phẩm này có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành. Chúng tôi cũng hứa sẽ hợp tác, đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng các thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm”, ông Dương cam kết.

Đối với nông nghiệp, ông Dương nhận trách nhiệm hình thành một mô hình sản xuất này tại Gia Lai và Đăk Lắk, hy vọng sẽ giúp đất nước trở thành một quốc gia sản xuất nông nghiệp hiệu quả, có thương hiệu và cạnh tranh được với các nước có nền nông nghiệp phát triển.

Trong lĩnh vực logistics, Thaco sẽ hoàn thành đầu tư và vận hành cảng 5.000 tấn chuyên dụng về container vào đầu năm 2026, để đưa tàu từ Chu Lai đi thẳng ra qua Thượng Hải, từ đó đi châu Âu đi Mỹ, đi Bắc Trung Quốc, đi Hàn Quốc, Nhật Bản…

“Chắc chắn, chi phí logistics tại miền trung sẽ bằng với 2 đầu đất nước, doanh nghiệp sẽ phát triển được tại miền Trung”, ông Dương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup: "Đề xuất cơ chế thông thoáng hơn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia kinh doanh điện"

Phát biểu tại Hội nghị, ông Quang xác định rõ, doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup

“Trong những năm qua Vingroup đã không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững”, ông Quang phát biểu và nhắc đến Vinfast như một dự án điển hình tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng xanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.

“Chúng tôi xác định việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho xe điện Vinfast là chìa khóa để phát triển bền vững đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước”, ông Quang nhấn mạnh.

Bên cạnh công nghiệp hỗ trợ và năng lượng xanh, Vingroup cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý vận hành. Mới đây Vingroup đã đặt chân vào lĩnh vực sẽ là xu hướng của tương lai là robot học, người máy đa năng với việc thành lập 2 công ty mới để phát triển các giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và tạo ra những lợi ích thiết thực bền vững và nhân văn cho con người.

“Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến nhu cầu phát triển năng lượng, với  đề xuất cơ chế chính sách thông thoáng hơn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia kinh doanh điện, góp phần đảm bảo đủ sản lượng, giảm giá thành điện.

Đồng thời thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật quốc gia, hoàn thiện khung pháp lý và đẩy mạnh áp dụng các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư như xây dựng vận hành được giao BOT, BOO và BT.

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long: "Cam kết giai đoạn 2025 đến 2030 phát triển tối thiểu 15%"

“Để Việt Nam tăng trưởng được trên 8%, trong đó khu vực tư nhân đóng góp 60%. Tôi nghĩ rằng, mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế, đều sẽ đóng góp vào. Hòa Phát cũng như vậy, trong phần của mình, giai đoạn 2025 đến 2030 phát triển không dưới 15%”, ông Long cam kết.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tâp đoàn Hòa Phát 

Ông đặc biệt quan tâm đến kế hoạch đầu tư các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

“Đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp”, ông khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Chính phủ có văn bản cụ thể, để các doanh nghiệp yên tâm tham gia đầu tư.

“Chúng tôi sẽ đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10 ngàn tỷ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên chúng tôi rất mong có 1 văn bản như một Nghị quyết để các doanh nghiệp thép yên tâm đầu tư nhà máy, doanh nghiệp thi công yên tâm đầu tư máy móc lớn… Chúng tôi sẽ phối hợp để thực hiện, đảm bảo máy móc, sản phẩm đạt yeu cầu.

Đặc biệt, với 3 dự án đường sắt, cần 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết cung cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, tiến độ và giá thấp hơn giá nhập khẩu.

Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính: "Phải xử lý nhanh để đưa nhành các nguồn lực vào phát triển"

Là doanh nghiệp công nghệ thông tin, được tham gia đóng góp  xây dựng Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Nguyễn Trung Chính đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của khoa học, công nghệ.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính

“Chúng tôi có nhận hai cái nhiệm vụ quốc gia, một là, xây dựng hạ tầng điện toán đám mây để  trở thành đứng đầu khu vực, với quy mô đầu tư gấp gần hơn hai lần tổng công suất mà Việt Nam đang có vào năm 2030. Hai là, phát triển phần phần mềm, xây dựng kho Ai của người Việt, trí tuệ của người VIệt và sử dụng cho sự phát triển của đất nước. Nhưng 2 nhiệm vụ này không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì không thể hoàn thành”, ông Chính đặt vấn đề.

Ví dụ ông nhắc đến là dự án xây dựng trung tâm R&D của CMC đã 3 năm vẫn chưa xong thủ tục, dù đã có đất. Tôi nghĩ là chỉ cần 1 năm thôi. Chúng ta cần phải xử lý nhanh để đưa nguồn lực vào phát triển”, ông Chính đề xuất thẳng thắn khi đặt vấn đề giao KPI cho các địa phương, bộ, ngành trong làm việc với doanh nghiệp.

Cùng với đó, ông đề nghị chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 10 năm cho khoản đầu tư 5 năm tới, với khoảng 700 triệu USD đến 1 tỷ USD xây hạ tầng kỹ thuật. “Băn khoăn của chúng tôi là nguồn vốn”, ông Chính chia sẻ.

Cuối cùng, ông đề cập đến các điều kiện đầu tư cơ sở đào tạo tại các địa phương chưa phù hợp. 

“Chúng tôi muốn mở các phân hiệu đào tạo tại các địa phương thì có quy định phải có 2 ha đất. Về lý thuyết 2 ha đất đó là địa phương phải bố trí, nhưng thực tế tại Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM có được 2 ha đất là không hề dễ”, ông Chính khẳng định.

Xem thêm tại baodautu.vn