Các ngân hàng có vốn nhà nước công bố danh sách cổ đông ngoại sở hữu trên 1% cổ phần

Các ngân hàng có vốn nhà nước công bố danh sách cổ đông ngoại sở hữu trên 1% cổ phần

Trước đây, các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin của lãnh đạo cùng người có liên quan. Tuy nhiên, theo Luật các tổ chức tín dụng mới, ngân hàng cũng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan, đối với cả cá nhân và tổ chức, cũng được mở rộng hơn nhiều so với trước.

Bên cạnh đó, Luật mới quy định giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Trường hợp nhóm này sở hữu cổ phần vượt mức theo quy định mới (tức tỷ lệ sở hữu trước ngày 1/7) vẫn được duy trì nhưng không được phép được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Việc các ngân hàng công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ sẽ giúp thị trường có cơ hội tiếp cận đầy đủ hơn cơ cấu sở hữu tại các nhà băng.

Theo quy định của Luật các TCTD sửa đổi, bên cạnh những ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố những cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm 3 "ông lớn" là Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng lần lượt "tiết lộ" danh sách này.

Cụ thể, Vietcombank công bố tính đến ngày 20/7, chỉ có một tổ chức là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) sở hữu 1,67% vốn điều lệ. Danh sách này không công bố tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Nhưng theo BCTC hợp nhất quý II/2024, tính đến cuối tháng 6/2024, Nhà nước đang sở hữu 74,8% vốn điều lệ tại Vietcombank và cổ đông chiến lược Mizuho Bank nắm giữ 15% vốn.

Vào ngày 29/7 vừa qua, HĐQT Vietcombank đã thông qua dự thảo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường về phương án phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 6,5% cho cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, đến ngày 13/8, HĐQT Vietcombank đã có nghị quyết rút “Thông qua phương phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ” khỏi chương trình họp ĐHĐCĐ ngày 19/8.

Tại VietinBank, Ngân hàng vừa công bố có ba cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ bao gồm MUFG Bank, Công đoàn VietinBank, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam. Tổng tỷ lệ cổ phần các cổ đông này nắm giữ 21,95%.

Trong đó, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm 57,6 triệu cổ phiếu CTG, tỷ lệ 1,07%; Công đoàn VietinBank nắm giữ hơn 61,6 triệu cổ phiếu CTG, tỷ lệ 1,15% và MUFG Bank là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu CTG nhất, sở hữu hơn 1 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ 19,73%. Danh sách này không nhắc đến cổ đông lớn nhất tại VietinBank là NHNN, với tỷ lệ sở hữu đến là 64,46% vốn điều lệ.

Còn tại BIDV, danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ tại Ngân hàng chỉ có hai cái tên quen thuộc là NHNN và cổ đông chiến lược Keb Hana Bank, với tỷ lệ sở hữu lên tới gần 96% vốn. Trong đó, NHNN sở hữu 4,62 tỷ cổ phiếu BID, tỷ lệ 80,99%; còn Keb Hana Bank nắm giữ 855,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15% và người liên quan nắm giữ 13 cổ phiếu. Như vậy, trong nhóm Big4, BIDV đang là ngân hàng có cơ cấu sở hữu cô đặc nhất.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn