Các ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 ra sao?
Mục tiêu tăng trên 10% trong năm 2024
ACB vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 4/4 tới, với kế hoạch lợi nhuận đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2024 tăng 12%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% đạt 593.779 tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng.
ACB cho biết, đây là mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ theo mức NHNN giao. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, con số này cuối năm 2023 là 1,21%.
Trước đó, kết thúc năm 2023, vượt qua những khó khăn của thị trường, ACB hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở Đại hội đồng cổ đông, với mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận vượt 20 nghìn tỷ, tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất ngành.
Vietcombank đặt mục tiêu lãi năm nay gần 2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023, tức lên hơn 44.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8%, tăng trưởng tín dụng trên 12%, trong đó huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng, nợ xấu dự kiến dưới 1,5%. Từ đầu năm, nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%).
Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10-15% trong 2024 |
Thế nhưng, ngay cả Vietcombank cũng không tránh khỏi tín dụng giảm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường và cầu vốn khách hàng chưa mấy cải thiện quý đầu năm. Cụ thể, theo lãnh đạo ngân hàng này, đến hết tháng 1/2024, dư nợ tín dụng đạt 1,24 triệu đồng, trong đó tín dụng bán buôn giảm khoảng 19.000 tỷ đồng và tín dụng bán lẻ giảm hơn 11.000 tỷ đồng cho dù lãi suất cho vay đã giảm so với trước.
Về mục tiêu lợi nhuận, tại MB năm qua đạt hơn 1 tỷ USD và kỳ vọng năm năng tăng 10%. Nhà băng này dự kiến lũy kế cuối năm 2024 ước đạt khoảng 28.800 tỷ đồng.
Với Eximbank, năm 2023, ngân hàng báo lãi trước thuế 2.720 tỷ đồng, thực hiện được 55% chỉ tiêu đề ra. Về kế hoạch trong năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng; mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát mức 1,8%.
Dự thảo về kế hoạch kinh doanh năm 2024 chuẩn bị trình đại hội cổ đông ngày 29/3 tới đây, Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận là 4.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023. Trước đó, kết thúc năm 2023, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.304 tỷ đồng trong năm 2023 (tăng 50% so với cùng kỳ 2022).
Kỳ vọng vào tín dụng
Với mức lợi nhuận đưa ra năm nay, MB kỳ vọng kế hoạch sáp nhập Oceanbank sớm được hoàn tất để được cấp thêm room tín dụng mở rộng hoạt động cho vay. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MB ông Lưu Trung Thái cho biết, năm năm Ngân hàng được phân bổ room tín dụng 16% và dự kiến dư nợ cuối kỳ là 360.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, MB kỳ vọng việc tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém sẽ được phân bổ room tín dụng cao hơn mức trên.
Về việc nhận sáp nhập Oceanbank, theo Chủ tịch MB, Ngân hàng đã hoàn tất thủ tục trình Chính phủ và chờ phê duyệt cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và kỳ vọng trong năm 2024, dự án này sẽ được hoàn thành.
Theo Chủ tịch MB ông Lưu Trung Thái, cơ sở để Ngân hàng đưa ra mức lợi nhuận trên gồm: Động lực thứ nhất là bán lẻ, MB đang có điều kiện thuận lợi để giúp ngân hàng thực hiện mục tiêu này như số lượng khách hàng tăng nhanh. Hiện MB có hơn 26 triệu khách hàng, dự kiến 2024 sẽ đạt 30 triệu. Các khách hàng đang sử dụng sản phẩm cơ bản nhất của MB là tiền vay thì có 453.000 khách hàng và đang tăng trưởng tốt.
Số dư nợ bán lẻ (khách hàng SME, cá nhân…) chiếm cơ cấu 51% trong tổng dư nợ của MB và tốc độ tăng trưởng khách hàng, tín dụng ở mảng này đang rất tốt. Mảng này cũng đóng góp lớn vào tổng lợi nhuận MB năm qua. Mảng bán lẻ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2024.
CASA của MB đang tăng trưởng khá tốt sau khi đạt được mức tăng trưởng 40,1% - mức cao nhất trong hệ thống năm qua và hiện với mặt bằng lãi suất thấp giúp ngân hàng tăng CASA, tối ưu hóa chi phí để giảm lãi vay cho khách hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Động lực thứ 2 là chuyển đổi số. Những năm qua, MB đầu tư rất lớn cho chuyển đổi số, đang có kết nối với hệ sinh thái khách hàng trên khắp các nền tảng, tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng. Nhờ chuyển đổi số, số lượng giao dịch tăng trưởng rất cao nhưng chi phí vận hành và chi phí cho nhân sự giao dịch này lại giữ nguyên.
Động lực tăng trưởng thứ 3 là hợp lực tập đoàn. Hiện hệ sinh thái của MB là tập đoàn tài chính có đầy đủ các dịch vụ tài chính, từ chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm…tạo ra động lực nội sinh đầy đủ và lớn nhất ngành tài chính ngân hàng. Điều này đã thể hiện kết quả rõ ràng qua sự tăng trưởng của từng thành viên, chẳng hạn số lượng khách hàng của MBS tăng gấp hơn 3 lần trong vòng 2 năm.
HĐQT của ACB nhận định, năm 2024 nền kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh. Với các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trên nhiều thị trường như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... kinh tế năm 2024 có thể phục hồi. ACB kỳ vọng khả năng sớm phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của các hộ gia đình.
Trước bối cảnh tín dụng tăng chậm, số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Đây cũng là lý do khiến các nhà băng thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu kinh doanh năm nay.
Vietinbank cũng chỉ mới đưa ra một số chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm nay như tổng tài sản tăng từ 5 - 10%; tín dụng tăng theo hạn mức NHNN giao khoảng hơn 14%. Huy động tăng trưởng phù hợp với tín dụng bảo đảm các chỉ số an toàn về thanh khoản. Tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 1,8%. Còn chỉ tiêu lợi nhuận chưa được hé lộ.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietinbank cho rằng, sở dĩ tăng trưởng tín dụng chậm tháng đầu năm do bối cảnh nền kinh tế còn khó, sức mua chậm, thị trường bất động sản trầm lắng. Trước mắt, cần có giải pháp để tháo gỡ, có chiến lược kích cầu sức mua, đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn của các dự án.
Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng riêng lẻ BIDV năm 2023 đạt 26.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng tăng 18,6% so cùng kỳ năm 2022 và lợi nhuận hợp nhất tăng 18,8%.
Mặc dù đạt lợi nhuận hơn tỷ USD năm rồi, song bước sang năm 2024, BIDV đưa ra một số chỉ tiêu chính như dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức bằng hay thấp hơn 1,4%... riêng chỉ tiêu lợi nhuận vẫn đang còn bỏ ngõ. Kết thúc tháng 1/2024, dư nợ tín dụng của BIDV giảm 1,25% so với cuối năm trước.
Xem thêm tại baodautu.vn