Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank: Cho vay nông nghiệp rất rủi ro
Cơ chế không vướng mắc gì, về mặt tài sản đảm bảo đến định mức cho vay cũng không vướng mắc, tuy nhiên cho vay nông nghiệp rất rủi ro, chỉ một mùa vụ không thành công đã đẫn đến thất bại.
Dự đoán thời gian tới sẽ có rất nhiều khó khăn. Nền kinh tế có thể phục hồi, nhưng chậm, trong khi các khoản nợ cơ cấu đến hạn rất áp lực về xử lý nợ xấu. Việc xử lý các vướng mắc về Luật Đất đai, Luật Nhà ở… của chính quyền địa phương còn rất chậm. Nhiều dự án tồn đọng đến 1 - 2 năm.
Về việc này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cần có ý kiến với các bộ, ngành để thống kê lại. Trong khi đó với các cam kết về giảm phát thải, tôi đề nghị NHNN có những định hướng chung và tiêu chí về những ngành nghề để chúng tôi thực hiện và tư vấn đúng cho khách hàng.
Các ngân hàng “hiến kế” cho hoạt động tín dụng năm 2024. Ảnh: T.L |
Ông Trần Long - Phó Tổng giám đốc BIDV: Xem xét kéo dài thời hạn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN
Chúng tôi mong NHNN hướng dẫn cách thức công bố, cũng như định kỳ thời gian công bố mức lãi suất để các tổ chức tín dụng cập nhật kịp thời. Chúng ta cũng cần xem xét chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện các cam kết đã ký với tổ chức tín dụng và nhà đầu tư từ đó tạo ra niềm tin tiếp tục tham gia tài trợ cho các dự án của địa phương.
Hiện nay, chương trình hỗ trợ 2% lãi suất đã hết hiệu lực. BIDV kiến nghị Chính phủ có thể xem xét, duyệt phần còn lại sang các chương trình khác cho khách hàng.
NHNN cũng có thể xem xét lại kéo dài thời hạn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024, tiếp tục nghiên cứu mức tăng hạn mức cho vay bằng các phương tiện điện tử các khoản có rủi ro thấp.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank: Cần tiếp tục hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng được kéo dài thêm tối đa 12 tháng dẫn đến việc khi đến hạn trả nợ cơ cấu thì số tiền trả nợ hàng kỳ sẽ bị gấp đôi lên đối với khách hàng vay vốn trung dài hạn (bao gồm số tiền đến hạn định kỳ và số tiền cơ cấu nợ) dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ khi đến hạn trả nợ cơ cấu.
Tôi đề xuất gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 thêm 12 tháng đến 30/06/2025 để tiếp tục hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục.
Ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc VietinBank: Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Chúng ta nên nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đa dạng hóa nguồn cung - đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, chúng ta cần thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tóm lại, sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng cũng như toàn nền kinh tế. |