‘Các ngân hàng tư nhân đang được nhóm Big4 nhường thị phần tín dụng’
Trong Báo cáo tư vấn chính sách "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024" mới công bố, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của nhóm NHCP nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank) luôn thấp hơn nhóm các NHCP tư nhân trước, trong và sau đại dịch Covid.
Không những vậy, NIM của nhóm NHCP nhà nước năm 2023 đã xuống thấp hơn thời điểm trước Covid là năm 2019. Có thể nói NHCP nhà nước là tiên phong trong việc giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, điều này cũng đồng nghĩa với việc họ phải giảm bớt lợi nhuận.
Ngoài việc giảm lợi nhuận, theo VEPR, các NHCP nhà nước còn ghi nhận mức tăng trướng tín dụng thấp hơn so với các NHCP tư nhân. Trong khi nhiều NHCP nhà nước như BIDV, Vietinbank có mức tăng trưởng tín dụng dưới mức trung bình ngành (13,5%), nhiều NHCP tư nhân lại đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn 20% trong 5 năm liên tiếp. Do đó, thị phần của các nhóm này đã dần thay đổi. Ví dụ, nếu năm 2018, thị phần của nhóm Big 4 (bao gồm 4 ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) là 48,4% thì đến năm 2023, con số này giảm xuống còn 44,1%.
"Các NHCP tư nhân không chỉ có NIM cao hơn mà còn được NHCP nhà nước "nhường" thị phần tín dụng, điều này là nền tảng để họ đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao", VEPR.
Về ý kiến cho rằng các NHCP tư nhân đang bị "chèn ép" bởi các ngân hàng trong nhóm Big 4, dẫn đến việc mất khách hàng có chất lượng cao. VEPR cho rằng, ý kiến này nhẳm lý giải việc NHCP tư nhân duy trì NIM cao đề bù đắp rủi ro cho vay các nhóm khách hàng có chất lượng kém hơn.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu nhìn thuần túy về mặt bằng lãi suất cho vay thì đúng là NHCP nhà nước có lãi suất thấp hơn, vì vậy các doanh nghiệp tốt, được nhiều ngân hàng săn đón sẽ chọn NHCP nhà nước để vay. Tuy nhiên như phân tích ở trên, NHCP nhà nước đang "nhường" thị phần cho các NHCP tư nhân. Việc duy trì lãi suất cho vay thấp cũng đồng nghĩa phải có lãi suất huy động thấp. Mà việc NHCP nhà nước duy trì lãi suất huy động thấp thực tế lại đang điều tiết bớt dòng tiền gửi sang các NHCP tư nhân. Có tiền gửi, ngân hàng mới có thể cho vay.
Ngoài ra, việc quản trị rủi ro hoàn toàn nằm trong tay của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng thực hiện quản trị rủi ro chặt chẽ̃, họ sẽ phải chọn lọc khách hàng kỹ càng.
"Và như vậy thì các ngân hàng sẽ tự giảm bớt tốc độ tăng trưởng tín dụng, không cần thiết phải liên tục tăng cao trên 20%", VEPR đánh giá.
Nhóm nghiên cứu cũng dẫn chia sẻ của 1 tập đoàn lớn trong buổi họp với Thủ tướng và NHNN cho biết, lãi suất các khoản vay của NHCP tư nhân và NHCP nhà nước chênh là khá lớn từ 4% đến 5%. Như vậy thì khoảng chênh lệch này lớn hơn chênh lệch lãi suất huy động trung bình giữa nhóm NHCP Nhà nước và NHCP tư nhân lớn, thường là 0 – 0,5%. Đỉnh của chênh lệch này cũng chỉ xấp xỉ 2% xảy ra trong khoảng thời gian ngắn đầu năm 2023.
Theo VEPR, thực tế trên cho thấy 2 vấn đề, một là với cùng 1 khách hàng (ở đây là tập đoàn lớn nêu trên) thì lãi suất cho vay vẫn chênh rất lớn chứ không phải là vì NHCP tư nhân phải cho vay nhóm có rủi ro cao hơn nhóm NHCP nhà nước nên lãi suất phải cao hơn. Và hai là mức chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra của nhóm NHCP tư nhân lớn hơn nhóm NHCP nhà nước, tạo ra NIM cao.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vào cuôc Tháng 12/2023, trong thông báo 527/TBVPCP, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay đồng thời công khai lãi suất cho vay, công khai chênh lệch lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Đây là một động thái mới và quyết liệt hơn từ Thủ tướng với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
NHNN sau đó cũng đã có Chỉ thị 01 và nhiều biện pháp để thực hiện việc công khai lãi suất. NHNN yêu cầu NHTM phải báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân trước ngày 23/2/2024 và hạn chót để gưi đường link công bố lãi suất về Ngân hàng Nhà nước là 01/04/2024.
Theo NHNN, việc công khai lãi suất cho vay hiện chưa có chế tài tuy nhiên dư luận công chúng cũng sẽ là một chế tài để tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn, tạo ra mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý hơn. Như vậy vai trò của truyền thông và của dư luận trong tương lai sẽ rất quan trọng để thúc đẩy việc giảm lãi suất cho vay. Nhờ sự quyết liệt của Chính phủ và NHNN, một số ngân hàng đã thực hiện công bố lãi suất cho vay.
Tóm lại, để giảm lãi suất cho vay trong khi tăng lãi suất huy động một cách nhanh chóng và hiệu quả, cần phải có sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Chính phủ và NHNN cùng với đó là sự đóng góp từ cộng đồng trong việc theo dõi, giám sát và phản biện về chính sách lãi suất của các tổ chức tín dụng.
Xem thêm tại cafef.vn