Các ngân hàng vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ kinh doanh ra sao trong nửa đầu năm 2024?

Các ngân hàng vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ kinh doanh ra sao trong nửa đầu năm 2024?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Kết thúc nửa đầu năm 2024, thống kê báo cáo tài chính của 28 ngân hàng niêm yết đều ghi nhận những điểm sáng.

Bên cạnh những ngân hàng được mức lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng là Vietcombank (20.835 tỷ đồng), Techcombank (15.628 tỷ đồng), BIDV (15.549 tỷ đồng), MB (13.428 tỷ đồng), VietinBank (12.960 tỷ đồng), ACB (10.490 tỷ đồng) thì có tới 10 nhà băng ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế dưới 600 tỷ đồng. Nhóm này chủ yếu bao gồm những ngân hàng quy mô nhỏ với vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng.

Như Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, mã: BVB) 6 tháng đầu năm nay thu về gần 1.200 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, động lực tăng trưởng chính của BVBank vẫn đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi - cho vay - với thu nhập lãi thuần tăng 57%, mang về hơn 1.000 tỷ đồng. Tương tự, mảng kinh doanh ngoại hối cũng khởi sắc với mức tăng 65% nhờ doanh số mua bán ngoại tệ tăng mạnh.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp gần 3 lần đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của BVBank nửa đầu năm nay. Tính chung 6 tháng, BVBank vẫn báo lãi trước thuế 153 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.

Tổng nợ xấu ngân hàng tính đến cuối quý II/2024 là 2.249 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 3,31% đầu năm lên 3,77%.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, mã: KLB) cũng ghi nhận lợi nhuận khả quan khi tăng gần 72% so với cùng kỳ, đạt 552 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch năm được ĐHĐCĐ thông qua.

Riêng quý II, thu nhập lãi thuần đạt 919 tỷ đồng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ trong quý đạt 121 tỷ đồng, tăng trưởng 28,37%. Ngược lại, KLB ghi nhận lỗ 6,1 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 17,6 tỷ đồng. Thêm nữa, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận đạt 3,5 tỷ đồng, giảm một nửa so với quý II/2023.

Đáng chú ý, KienlongBank cũng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 23,9 lần cùng kỳ, lên 244,3 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, dự phòng KienlongBank đạt 355,9 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Về chất lượng vay nợ, tính đến ngày 30/6/2024, nợ đủ tiêu chuẩn của KienlongBank đạt 55.310 tỷ đồng, tăng 10,27% so với đầu năm, nợ cần chú ý giảm 14,29% xuống còn 534 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn giảm hơn nửa xuống 106 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng lên 358 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn ghi nhận 664 tỷ đồng, tăng 47,23%.

Tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank tại ngày 30/6 là 1,98% tăng so với mức đầu năm là 1,93%.

Các ngân hàng vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ kinh doanh ra sao trong nửa đầu năm 2024?- Ảnh 2.

Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank - mã: BAB) ghi nhận thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 88%, đạt 324 tỷ đồng. Trong kỳ, ngân hàng này dùng 132 tỷ đồng để trích dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. Lãi trước thuế trong quý II/2024 đạt hơn 203 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BacABank báo lãi trước thuế gần 542 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 49% mục tiêu cả năm.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của BacABank tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên 154.482 tỷ đồng. Trong khi cho vay khách hàng tăng 2% lên 102.131 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 1% lên 119.743 tỷ đồng.

Nhưng đáng chú ý, tổng nợ xấu tính đến cuối quý II/2024 của ngân hàng này cũng tăng 65% so với đầu năm, lên mức 1.513 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 0,92% đầu năm lên 1,48%.

Ngoài ra, những ngân hàng còn lại cùng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng như VietABank, PGBank, SaigonBank, Baoviet Bank cũng đa phần đều phải chịu áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm nay cao hơn so với cùng kỳ khi tỷ lệ nợ xấu đi lên.

Trong đó, VietABank và Baoviet Bank có mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn hơn lần lượt đạt 579 tỷ đồng (+9%) và 26 tỷ đồng (+3%).

Các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm như PGBank đạt 268 tỷ đồng (-7%), SaigonBank đạt 166 tỷ đồng (-9%).

Riêng Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, mã: PGB) là ngân hàng duy nhất trong nhóm ghi nhận tổng nợ xấu giảm. Cụ thể, cuối quý II/2024 nợ xấu của PGBank giảm 5% so với đầu năm, còn 958 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay giảm từ mức 2,85% đầu năm xuống còn 2,61%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 815 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 268 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và giảm 6,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 48% kế hoạch lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên.

Nhiều dự báo của giới chuyên gia cho rằng, toàn ngành ngân hàng tiếp tục gặp nhiều áp lực và có sự phân hoá trong năm nay.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, 2024 sẽ tiếp tục là một năm tương đối thách thức với ngành ngân hàng nhưng một số tổ chức sẽ có sự cải thiện về mặt tăng trưởng lợi nhuận.

Gần đây nhất MBS Research dự báo, biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ. Thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ.

Đồng thời, chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý II. Trước tình trạng này, các ngân hàng sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay, tìm cách đồng hành cùng doanh nghiệp để xử lý các khoản nợ xấu khó đòi.


Xem thêm tại cafef.vn