Thị trường có thể hồi phục trở lại vào giai đoạn cuối tháng 5 khi các thông tin tích cực từ chính sách được khơi thông. Ảnh: Duy Dũng. |
Dòng tiền còn chưa “mặn mà”
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tháng 4 điều chỉnh khá mạnh và có phần đồng pha với nhiều thị trường khác trên thế giới. Tính trong tháng 4/2024, chỉ số VN-Index đã giảm tới khoảng 100 điểm, tương đương gần 8% sau khi tiệm cận vùng 1.300 điểm. Hiện tại, chỉ số VN-Index mặc dù đã lấy lại và duy trì trên mốc 1.200 điểm nhưng nhịp phục hồi vẫn chưa rõ ràng.
Không chỉ lực hồi còn khá yếu của điểm số, thị trường đang cho thấy dòng tiền còn chưa “mặn mà” trở lại khiến đà hồi phục chưa được khẳng định chắc chắn. Thị trường vẫn được nhiều chuyên gia dự báo sẽ duy trì xu hướng giằng co để tìm kiếm vùng cân bằng mới khi các rủi ro đang dần dần hạ nhiệt.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cho rằng: "Nhìn chung tại vùng cầu 1.160 - 1.190 điểm, tôi cho rằng thị trường đang tạo được đáy ngắn hạn. Tuy nhiên, sẽ cần quan sát lực cầu ở nhịp hồi ngắn này, nếu cầu vẫn duy trì yếu và không có dấu hiệu cải thiện rõ rệt thì khả năng thị trường sẽ tìm kiếm điểm cân bằng mới khi lực bán quay trở lại. Bối cảnh thị trường đang cho thấy rủi ro còn khá cao trong khi thực sự thiếu vắng các thông tin tích cực, vì vậy tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng”.
Chuyên gia của PHS cho rằng, sau giai đoạn tăng mạnh của chỉ số khi kỳ vọng vào nhiều yếu tố tích cực đưa mức định giá P/E toàn thị trường lên gần 15 lần, nên nhà đầu tư đang dần điều chỉnh lại các kỳ vọng của mình.
Vì thế, dòng tiền rút khỏi các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong giai đoạn trước và nhạy cảm với các rủi ro ngắn hạn, trong khi đó các nhóm cổ phiếu phòng thủ, có tỷ suất cổ tức cao hoặc triển vọng hồi phục rõ rệt như dược phẩm, hàng gia dụng, vận tải, hàng không vẫn nhận được sự chú ý của dòng tiền và ghi nhận tăng trưởng về giá trong tháng 4. Nếu phân loại theo nhà đầu tư thì dòng tiền bán ròng mạnh mẽ trong suốt thời gian qua ghi nhận ở nhóm nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nhà đầu tư cá nhân và khối tự doanh trong nước duy trì mua ròng trong tháng 4.
“Tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới cho đến khi các rủi ro về kinh tế, địa chính trị trên thế giới giảm nhiệt và thị trường tìm được điểm cân bằng mới” – bà Nguyễn Thị Mỹ Liên nói.
Không nên quá tin “Sell in May”
Trên thị trường chứng khoán, câu nói “Sell in May and go away” (tạm dịch: Bán chứng khoán tháng 5 và đi chơi) thường có phần nào ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư. Bởi tháng 5 thường là vùng trũng thông tin khi hầu hết thông tin thị trường kỳ vọng như kết quả kinh doanh quý I hay các thông tin về đại hội cổ đông của doanh nghiệp đều diễn ra phần lớn trong tháng 4.
Tuy nhiên, theo quan sát của chuyên gia PHS, trong hơn 20 năm qua, xu hướng “Sell in May” tại Việt Nam thường không chính xác. Cụ thể, trong 23 năm qua, có đến 14 năm VN-Index trong tháng 5 tăng điểm và 9 năm ghi nhận giảm điểm trong tháng 5.
Vì vậy, “tôi cho rằng, nhà đầu tư không nên quá tin vào câu nói này. Đối với giai đoạn hiện tại, tôi thấy rằng thị trường đang bắt đầu tìm lại điểm cân bằng sau pha điều chỉnh trong tháng 4, các rủi ro trên thị trường thế giới lẫn trong nước đang dần hạ nhiệt, do đó tôi thiên về hướng thị trường sẽ có giằng co quanh mốc 1.200 điểm và hồi phục trở lại vào giai đoạn cuối tháng 5 khi các thông tin tích cực từ chính sách được khơi thông” – bà Mỹ Liên nhận định.
Còn theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán VPS, dự phóng kết quả kinh doanh quý II/2024, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhóm ngành tài chính, cảng biển, hóa chất, thép, dầu khí… sẽ là động lực khiến giá cổ phiếu sẽ hồi phục giai đoạn tới. Tháng 5 có thể là giai đoạn thuận lợi cho việc mua vào cổ phiếu hơn và việc bán ra. Ngay khi mà thị trường có nhiều thông tin trái chiều, thị trường điều chỉnh với mức chiết khấu cao như giai đoạn vừa qua thì cơ hội mua vào cổ phiếu cũng hiện hữu hơn.
Cùng với đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất năm nay vẫn có, tăng trưởng GDP, hoạt động đầu tư công, FDI cũng như các hoạt động xuất nhập khẩu sôi động… có thể là động lực khiến thị trường chứng khoán sẽ diễn biến tích cực hơn không chỉ trong tháng 5 mà kể cả quý II và cả năm 2024.
Chờ tác động tích cực từ thông tin chính sách “Trong tháng 5, Quốc hội sẽ họp để thông qua nhiều dự luật, trong đó Chính phủ đang gấp rút chỉ đạo các bộ ngành để chuẩn bị trình Quốc hội việc rút ngắn thời điểm áp dụng Luật Đất đai từ 1/7/2024 thay vì 1/1/2025. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Đồng thời, các diễn biến từ thị trường thế giới như tín hiệu từ cuộc họp của FED, trong bối cảnh căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt cũng đáng lưu tâm trong tháng 5. Đó cũng là những yếu tố tác động quan trọng” – bà Nguyễn Thị Mỹ Liên. |