Các tập đoàn, tổng công ty nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão lũ
Theo thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đối với thiệt hại về con người, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có 2 thủy thủ của Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả thiệt mạng khi tham gia công tác trực; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 1 cán bộ điện lực Vĩnh Phúc tử vong khi tham gia tăng cường khắc phục hệ thống điện sau bão tại tỉnh Quảng Ninh; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có 1 người lao động tử vong, 1 cán bộ khi đang thực hiện nhiệm vụ có vợ và 2 con ở nhà mất do lũ quét.
Đối với công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 và hoàn lưu bão, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo, phân công Lãnh đạo các đơn vị của Ủy ban phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương tập trung khắc phục các tài sản bị hư hỏng; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu bão. Đồng thời phải tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các bộ, cơ quan liên quan kịp thời xử lý đối với biến động giá cả bất thường và cung cầu những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, bảo đảm ổn định thị trường, cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt. |
Về tài sản, vật chất, trong lĩnh vực năng lượng, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2.175 cột điện bị gãy, đổ; 48 trạm biến áp bị hư hỏng; 71.466m dây dẫn bị hư hỏng gây mất điện trên diện rộng.
Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng mạng lưới kỹ thuật viễn thông đã gãy đổ 12 cột cao, hư hỏng 270 đường điện, đứt 670 đường cáp quang; hư hỏng 220 nhà trạm…
Tuy nhiên đến nay, EVN đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại. Các phụ tải quan trọng tại tỉnh Quảng Ninh cơ bản đã cấp điện trở lại; hầu hết đường dây trung thế tại Hải Phòng đã được khôi phục.
VNPT cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục sự cố dịch vụ di động và băng rộng cố định, đảm bảo liên lạc thông suốt. Dự kiến, VNPT sẽ khắc phục các thuê bao băng rộng cố định mất liên lạc về cơ bản hoàn thành trước ngày 30/9/2024. Các cửa hàng MobiFone tại Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng đã mở cửa suốt đêm hỗ trợ sạc điện, roaming sóng miễn phí…
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, vận tải hành khách và logistics, bão số 3 đã làm ngập úng, gây hư hại thiết bị thu phí, gãy đổ cây trồng, mất điện lưới… Thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, ước tính khoảng 130 tỷ đồng, trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá; hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt...
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cát Bi bị thiệt hại về tài sản trang thiết bị nhà ga, các phương tiện phục vụ mặt đất... Trang thiết bị, nhà kho, một số cẩu của cảng Hải Phòng bị trật ray, biến dạng kết cấu do sức gió quá lớn; nhiều kho hàng, văn phòng bị thiệt hại nặng với ước tính tổng thiệt hại gần 27,5 tỷ đồng, trong khi chưa kể thiệt hại một số cẩu của cảng Hải Phòng cần có sự đánh giá của nhà sản xuất và chi phí giám định thiệt hại.
Nhưng đến nay, qua công tác khắc phục, toàn bộ tuyến vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ đã thông suốt; đặc biệt là 700 tấn hàng cứu trợ được vận chuyển bằng đường sắt, 30 tấn hàng cứu trợ đã được vận chuyển bằng đường hàng không từ TPHCM ra miền Bắc.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, do có sự chủ động trong công tác phòng chống bão số 3, các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu không bị thiệt hại nhiều; tuy nhiên, các nhà xưởng sản xuất, nhà kho… cũng bị ảnh hưởng.
Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, hầu hết đơn vị lâm nghiệp phía Bắc của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đều bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3.
Qua thông tin các đơn vị báo cáo, diện tích vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại là 1.237 ha rừng trồng; giá trị rừng trồng thiệt hại ước tính khoảng 25,9 tỷ đồng; vườn ươm khoảng 4,4 tỷ; tài sản khác 2 tỷ đồng... Một số hệ thống máy móc, nhà kho bị thiệt hãi do cơn bão số 3 dẫn tới một số hàng hóa nông sản dễ bị ẩm mốc và hư hỏng; một số đơn vị thành viên khác của Tổng công ty trên địa bàn các tỉnh như Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La… hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng rất lớn sau bão.
Tuy nhiên, các tập đoàn, tổng công ty đã kịp thời khắc phục, không chỉ ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn tham gia cung ứng hàng hoá, hỗ trợ người dân, địa phương chịu thiệt hại.
Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) vẫn bảo đảm số lượng lương thực, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.
Chung tay khắc phục hậu quả bão số 3, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã ủng hộ gần 500 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ủng hộ 93,5 tỷ đồng; TKV ủng hộ 70 tỷ đồng; VNPT ủng hộ 50 tỷ đồng, MobiFone ủng hộ 51 tỷ đồng, EVN ủng hộ 30 tỷ đồng… Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã ủng hộ trên 11 tấn hoá chất xử lý nước, 1.000 túi quà bột giặt, chất tẩy rửa đến một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ (Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Cao Bằng) và người lao động bị ảnh hưởng trong Tập đoàn. Các tập đoàn, tổng công ty sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đến các tỉnh bị thiệt hại để chia sẻ với người dân và ủng hộ địa phương; cung cấp các chuyến xe 0 đồng để vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến vùng bị ảnh hưởng bão và hoàn lưu bão; ủng hộ hóa chất để xử lý nước, gạo đến người dân. |
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn