Các tập đoàn, tổng công ty tăng doanh thu và lợi nhuận
Chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao
Theo báo cáo về công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên; một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước,.. nhờ vậy trở thành công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát…
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý 3/2024 đã yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty triển khai quyết liệt, hiệu quả chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra, thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, đóng góp tích cực hơn vào bảo đảm các cân đối lớn về điện, xăng dầu, khí đốt nói riêng và vào phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 nói chung. Cùng với đó cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, có thể sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác. |
Về tình hình thực hiện các chỉ tiêu tài chính của các công ty mẹ, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu ước đạt gần 647.807 tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch năm và bằng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 11.425 tỷ đồng, bằng 43,5% kế hoạch năm. Về tình hình tài chính hợp nhất (công ty mẹ - công ty con), doanh thu ước đạt gần 1,02 triệu tỷ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 56.875 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt gần 86.218 tỷ đồng, bằng 75,24% kế hoạch năm và bằng 91% so với cùng kỳ.
Trong đó, nhiều mặt hàng sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả khả quan trong nửa đầu năm. Chẳng hạn, sản lượng than thương phẩm sản xuất ước đạt 27,36 triệu tấn, bằng 53% kế hoạch năm và bằng 111% so với cùng kỳ năm trước; khai thác ước đạt 1.630 ha, bằng 61% kế hoạch năm và bằng 182% so với cùng kỳ; sản lượng gạo của Vinafood 1 ước đạt trên 1,125 triệu tấn gạo, bằng 78% kế hoạch năm và bằng 141% so với cùng kỳ; sản lượng gạo bán ra của Vinafood 2 ước đạt 614.632 tấn gạo, bằng 66% kế hoạch năm và bằng 86% so với cùng kỳ…
Về dịch vụ, trong lĩnh vực đường biển, sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 71 triệu tấn, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 137% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hoá đường sắt ước đạt hơn 2,5 triệu tấn xếp, bằng 115% so với cùng kỳ; tổng doanh thu thu phí lĩnh vực đường bộ (chưa bao gồm thuế GTGT) đạt 2.906 tỷ đồng đạt 53,92% kế hoạch năm 2024, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023…
Còn nhiều thách thức
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Sơn, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, trong bối cảnh kinh tế trong nước thời gian qua còn nhiều khó khăn, thị trường năng lượng quốc tế có những biến động nhanh, bất lợi so với cùng kỳ năm 2023, Petrovietnam đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao công tác quản trị để có được những giải pháp ứng phó.
Theo thông tin từ Petrovietnam, các chỉ tiêu tài chính hầu hết hoàn thành vượt mức kế hoạch, duy trì mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam, đặc biệt biên lợi nhuận hóa dầu giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2023 ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả hoạt động của lĩnh vực lọc hóa dầu. Các công ty con đều hoàn thành vượt mức từ 20-77% kế hoạch 6 tháng và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 482,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp NSNN toàn Tập đoàn ước đạt 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong 6 tháng đầu năm 2024, TKV đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu tài chính. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 88.672 tỷ đồng, đạt 50,6% kế hoạch năm, bằng 106,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận dự kiến ước đạt 2.280 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm; nộp NSNN ước đạt 13.350 tỷ đồng, bằng 52,4% so với kế hoạch năm.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) ghi nhận kết quả doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 đạt 10.092 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.909 tỷ đồng, cao hơn 4,3% so với cùng kỳ năm 2023; dự kiến nộp NSNN toàn Tập đoàn là 967 tỷ đồng.
Nhưng theo đánh giá của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vẫn còn một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt được một số chỉ tiêu kế hoạch mà Ủy ban đã giao; một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân; tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất nhìn chung còn chậm so với yêu cầu... Khó khăn này là do tình hình quốc tế khó dự báo, tác động tiêu cực đến xã hội và nền kinh tế, dẫn đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp; thị trường xuất nhập khẩu của một số doanh nghiệp chịu nhiều tác động, các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh hoặc có xu hướng chững lại...
Đại diện các doanh nghiệp nhà nước cũng nhận định, tình hình 6 tháng cuối năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các tác động vĩ mô và phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Vì thế, các doanh nghiệp cho biết sẽ làm tốt công tác quản trị và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về quản trị, thị trường, tài chính, đầu tư và cơ chế chính sách nhằm phấn đấu thực hiện cao nhất các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2024 được giao.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn