Cải thiện hệ số an toàn, ngân hàng phải tăng vốn điều lệ

Chờ đợi nhiều kế hoạch tăng vốn

Là ngân hàng “mở màn” cho mùa ĐHĐCĐ, ngày 27/3/2025, cổ đông VIB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2025 từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng.

Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ tối đa 14% vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ tối đa 0,26% vốn điều lệ.

Ngày 28/3/2025, tại ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông Nam A Bank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.281 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ hơn 13.725 tỷ đồng lên mức hơn 18.000 tỷ đồng.

Việc tăng vốn này được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động của Nam A Bank (ESOP).

Còn vào cuối tuần này (29/3/2025), NCB sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, trong đó HĐQT ngân hàng này đề xuất chào bán 700 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương với 59,42% vốn điều lệ của NCB tại thời điểm chào bán.

Nếu được cổ đông thông qua và đợt phát hành này diễn ra thành công, NCB sẽ nâng vốn điều lệ từ mức 11.780 tỷ đồng hiện tại lên 18.780 tỷ đồng.

Trong tài liệu chuẩn bị họp ĐHĐCĐ được công bố, ACB cũng trình đại hội thông qua phương án trả cổ tức 25% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu, nếu hoàn thành thì vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 6.700 tỷ đồng, từ 44.666 tỷ đồng lên 51.366 tỷ đồng. 

Phải cải thiện hệ số an toàn vốn và chất lượng tài sản

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, tính đến cuối năm 2024, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng trong nước (gồm Agribank và 27 ngân hàng thương mại) là hơn 823.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cuối năm 2023. Trong năm 2024, có tới 20 trên 28 ngân hàng thực hiện và được chấp thuận tăng vốn điều lệ.

Biểu đồ: H.Dịu. Nguồn: Báo cáo tài chính 2024 của các ngân hàng.
Biểu đồ: H.Dịu. Nguồn: Báo cáo tài chính 2024 của các ngân hàng.

Trong đó, NCB và Techcombank ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất về vốn điều lệ so với năm 2023, lần lượt là 110% và 100%.

Dẫn đầu về mức vốn điều lệ là VPBank với 79.339 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2025, ví trí dẫn đầu này sắp bị Vietcombank soán ngôi.

Bởi mới đây, Vietcombank đã chốt danh sách cổ đông vào ngày để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 49,5%. Số cổ phiếu dự kiến phát hành là gần 2,8 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên khoảng 83.557 tỷ đồng.

Còn theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 11/2024, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 9,74% so với cuối năm 2023.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 12,51%, trong đó: nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt 10,57%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 12,21%, 2 nhóm này đều thấp hơn nhiều so với mức 23,27% của nhóm ngân hàng nước ngoài.

Theo báo cáo ngành Ngân hàng công bố đầu tháng 3/2025 của Công ty Chứng khoán MBS, hiện đã có hơn 20 ngân hàng niêm yết đã đáp ứng và áp dụng yêu cầu về CAR theo tiêu chuẩn Basel II, tuân thủ Thông tư 41/2016/TT-NHNN vào hoạt động của mình.

Tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu triển khai đối với các kiến nghị của các ngân hàng liên quan áp dụng bộ chuẩn mực Basel III, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sand box) với tinh thần là tạo không gian để sáng tạo và lấy hiệu quả để đánh giá.

Các ngân hàng đang có xu hướng nâng cấp tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo Basel III nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh với các tổ chức tín dụng toàn cầu. Một trong những yêu cầu quan trọng của Basel III đối với CAR Tier 1 là đạt tối thiểu 6%.

Mặc dù hầu hết ngân hàng đều đang đáp ứng yêu cầu của Basel III nhưng vẫn cần phải chú ý vấn đề tăng vốn bởi ngành Ngân hàng còn chịu nhiều áp lực và thách thức từ nền kinh tế bên ngoài.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo Điểm lại tháng 3/2025, các cấp có thẩm quyền cần khuyến khích các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn và tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm để phát hiện và xử lý vấn đề phát sinh do ngân hàng liên kết với các tập đoàn doanh nghiệp) và can thiệp sớm (sớm xác định vấn đề và ngăn ngừa khủng hoảng).

Hơn nữa, cũng theo WB, do độ mở của Việt Nam rất lớn, nên các yếu tố bất định chính bao gồm tăng trưởng toàn cầu thấp hơn dự kiến và thương mại bị gián đoạn. Nên nếu chất lượng tài sản trong khu vực tài chính bị suy giảm thêm, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn