Nâng tầm doanh nghiệp
Chia sẻ tại Hội nghị phát triển ngành chứng khoán năm 2024 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch CTCP Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã gửi lời cảm ơn thị trường chứng khoán (TTCK), “vì có nhờ niêm yết trên thị trường, FPT mới dễ làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới”. Đồng thời, hứa sẽ đem công nghệ tốt nhất để phục vụ sự phát triển của TTCK, phát triển nền kinh tế và phục vụ các doanh nghiệp nói chung.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã MBB) cho biết, 13 năm tham gia TTCK (MB niêm yết trên HOSE từ ngày 1/11/2011), Ngân hàng đã thu hút được nguồn vốn lớn phục vụ cho đầu tư phát triển. Vốn hoá của MB tính đến cuối tháng 6/2024 đạt trên 130.000 tỷ đồng, với 150.000 cổ đông; tổng tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Ngân hàng đã triển khai thành công các phương án phát hành cổ phiếu (thông qua trả cổ tức hàng năm, phát hành riêng lẻ) để bổ sung và tăng quy mô vốn điều lệ và các phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tăng nguồn vốn kinh doanh, vốn cấp 2. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng các quy định, yêu cầu về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự, ngày 15/11/2007, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) niêm yết 132 triệu cổ phiếu trên HOSE với giá tham chiếu 110.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa 14.520 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2024, vốn hóa của ông lớn ngành thép này đạt 150.000 tỷ đồng, tức quy mô vốn hóa tăng hơn 10 lần. Với Hòa Phát, niêm yết cổ phiếu tại HOSE là một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của Tập đoàn.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát chia sẻ, TTCK đã chắp cánh cho Hòa Phát thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành chủ lực là sản xuất và kinh doanh thép xây dựng. Số vốn huy động trên TTCK những năm mới niêm yết giúp Hòa Phát triển khai dự án Khu liên hiệp Gang thép Hòa Phát giai đoạn 1, đưa Tập đoàn trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.
Lãnh đạo Hòa Phát cũng chia sẻ, nếu trước thời điểm niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, năm 2007, người tiêu dùng Việt Nam chỉ quen với Hòa Phát làm nội thất, máy móc, thiết bị xây dựng hay kinh doanh khu công nghiệp, thì nay đã trở thành một tập đoàn đa ngành lớn mạnh, hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác nhau mà lĩnh vực nào cũng ghi lại được nhiều dấu ấn.
Nhìn lại 24 năm hình thành và phát triển, những giai đoạn bứt phá của TTCK thường gắn với sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn, cũng như gắn với những thời điểm diễn ra “sóng” thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài FPT, HPG hay MBB, thị trường đã chứng kiến nhiều tên tuổi lớn “kéo nhau” lên sàn chứng khoán như Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), Bảo Việt (BVH), CTCP Sữa Việt Nam (VNM); Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS), PV Drilling (PVD)… Hay các doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup (VIC), Masan (MSN), Dược Hậu Giang (DHG)… Đến hàng loạt công ty chứng khoán như CTCK SSI (SSI), CTCK TP.HCM (HCM), CTCK Vietcap (VCI), CTCK VNDIRECT (VND)…
Không chỉ các doanh nghiệp đã có tiếng và trở nên lớn mạnh hơn khi lên sàn, mà rất nhiều doanh nghiệp có quy mô ban đầu vừa và nhỏ khi đại chúng hóa cũng đã trưởng thành theo thời gian. Niêm yết cổ phiếu không có lý do nào khác ngoài mục tiêu phát triển bền vững, minh bạch hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, chuyên nghiệp hóa theo mô hình quản trị tập trung, hiện đại, đồng thời tạo thêm kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn, ngày càng gia tăng lợi ích cho cổ đông.
Trong những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã huy động thành công vốn để đầu tư vào các dự án thông qua kênh trái phiếu và cổ phiếu. Tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến cuối tháng 6/2024 đạt xấp xỉ 69% GDP 2023 cho thấy vai trò rất quan trọng của TTCK đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Vẫn cần tăng quy mô và chất lượng
TTCK đã không ngừng phát triển trong nhiều giai đoạn. Mặc dù vậy, trong vài năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới ngày càng ít, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn nhưng vẫn đang giao dịch trên UPCoM, chưa chuyển sang niêm yết. Do vậy, làm thế nào để tăng chất và lượng hàng hóa trên thị trường niêm yết vẫn là trăn trở của nhiều thành viên thị trường.
Ông Lưu Trung Thái khuyến nghị, để TTCK tiếp tục phát triển, cần phải tăng quy mô của thị trường, tăng số lượng song song với tăng chất lượng của cả doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư tham gia. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tổ chức. Đồng thời, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, minh bạch hóa TTCK; chuyển đổi số và bước đầu triển khai tích hợp dữ liệu ngành chứng khoán với dữ liệu quốc gia để nâng cao quản lý tài khoản, giao dịch chứng khoán.
“Cần phải tăng quy mô thị trường, tăng số lượng song song với tăng chất lượng doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời, tăng cả số lượng và chất lượng nhà đầu tư tham gia trên TTCK và nâng cấp hệ thống giao dịch và khuôn khổ pháp lý để thu hút nhà đầu tư”, ông Thái nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để tăng khả năng thu hút vốn của các doanh nghiệp niêm yết, cần phân loại xếp hạng các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, tính minh bạch, tuân thủ công bố thông tin. Chú trọng áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết.
Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết trên thị trường trong thời gian qua tăng khá thấp so với tiềm năng của thị trường.
Việc nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, đa dạng hóa sản phẩm là một trong những công tác được chú trọng trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2023 - 2027, định hướng đến năm 2030 của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX). Đối với thị trường cổ phiếu, lãnh đạo VNX cho biết, Sở chỉ đạo các sở thành viên tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đẩy mạnh việc tiếp nhận cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, việc hoàn thiện hệ thống chỉ số là một trong những hành động thiết thực được nêu cụ thể trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2023 - 2027, định hướng đến năm 2030 của VNX theo hướng quy hoạch lại các bộ chỉ số trên TTCK trên cơ sở sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, phát triển các sản phẩm chỉ số mới theo lộ trình của các cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng nhu cầu thị trường bao gồm các chỉ số chỉ báo cơ bản và các chỉ số chuyên biệt.
Sáu nhiệm vụ của ngành chứng khoán nửa cuối năm 2024
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Thị Chân Phương, có 6 nhiệm vụ mà ngành cần triển khai hiệu quả trong 6 tháng cuối năm 2024. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung triển khai chương trình hành động của UBCK thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Thứ hai, đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Thứ ba, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Thứ tư, tiếp tục tái cấu trúc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để nâng cao năng lực hoạt động và an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Thứ năm, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân. Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý với các cơ quan quản lý các nước, các tổ chức quốc tế để có giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thế giới, điều kiện của Việt Nam.