Cần giải pháp căn cơ hơn

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Huyền
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Huyền

Ngành ô tô Việt Nam cần những giải pháp căn cơ hơn để thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, tăng trưởng bền vững.

Chỉ giải quyết được "phần ngọn"

Với sức ép lạm phát, tỷ giá, giá vàng tăng cao… đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô. Điều này được thấy rõ qua doanh số thực tế thị trường ô tô các tháng cuối năm 2023 và 5 tháng năm 2024 sụt giảm đáng kể.

Theo thông tin từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số DN ngoài VAMA, trong 5 tháng năm 2024, toàn thị trường đã tiêu thụ khoảng 121.189 ô tô các loại, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Điều đáng nói là, trong khi sản lượng và doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước liên tục giảm thì ô tô nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng nhanh. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024, nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã được nhà phân phối mạnh tay ưu đãi, hạ giá sâu giúp tăng doanh số, vượt lên, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với xe sản xuất trong nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô, hỗ trợ DN sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/8/2024 - 31/1/2025 để hỗ trợ người dân, DN.

Liên quan tới chính sách giảm LPTB, trước đó, Chính phủ đã có 3 lần áp dụng chính sách này. Cụ thể, trong lần giảm 50% LPTB đầu tiên (6 tháng cuối năm 2020), số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.

Ở lần giảm thứ 2 (từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022), bình quân số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu 5 tháng đầu năm là 33.690 xe/tháng, cao hơn gấp 1,5 lần bình quân số lượng xe 7 tháng cuối năm.

Trong lần giảm thứ 3 (6 tháng cuối năm 2023), số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu cũng ghi nhận tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.

Nhìn vào những con số tăng trưởng ấn tượng của thị trường ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước ở 3 lần giảm LPTB trước đó cho thấy, chính sách đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Chứng khoán SSI lại chỉ ra, giải pháp hỗ trợ này thực chất chỉ giải quyết được “phần ngọn”. Thực tế doanh số bán hàng bình quân cả năm vẫn thấp, do người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi đến lúc giảm phí mới mua, nên có sự chênh lệch đáng kể giữa thời điểm áp dụng giảm phí và không giảm.

Ở góc độ DN kinh doanh ô tô, Phó Giám đốc Phụ trách kinh doanh Kia - Mada Yên Nghĩa (Hà Đông) Đoàn Anh Tú cho biết, những đợt giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất trong nước trước đây kích thích sức mua tăng đáng kể. Một số hãng xe có nhiều mẫu lắp ráp trong nước như KIA, Hyundai đã ghi nhận doanh số tăng mạnh từ 50 - 100% so với những tháng không có ưu đãi. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, việc tiếp tục giảm LPTB sẽ giúp ích rất nhiều cho DN, kích cầu tiêu dùng trong nửa cuối năm 2024.

Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, trên thị trường, chính sách nào giúp giảm giá thành sản phẩm đều tốt. Việc giảm LPTB cũng giống như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, đều có tác dụng kích cầu tiêu dùng. Đây là giải pháp nằm trong chuỗi nới lỏng chính sách tài khóa một cách hợp lý để hỗ trợ DN và người tiêu dùng. Với người mua xe sẽ được giảm bớt chi phí đóng trước bạ, với nhà sản xuất và lắp ráp trong nước giúp giảm bớt giá thành, kích thích tổng cầu thanh toán, từ đó có thể tăng sản lượng, tăng việc làm, tăng lợi nhuận, điều này rất tốt cho họ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải cân nhắc, không nên quá lạm dụng sẽ gây tác dụng ngược lên thị trường và tâm lý ỷ lại của DN chỉ trông chờ vào chính sách. Hơn nữa, hiện nước ta đang hội nhập sâu rộng, nếu cứ liên tục giảm LPTB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ gây tâm lý bất bình đẳng với các DN nhập khẩu, DN FDI, ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư.

Đánh giá chính sách giảm 50% LPTB hỗ trợ tích cực cho thị trường, song PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra, việc tiếp tục giảm LPTB chỉ giải quyết được phần ngọn, có tính chất ngắn hạn. Để thị trường phát triển trong dài hạn, cần có chính sách đồng bộ về thuế, phí, chi phí sản xuất, kinh doanh… thì mới có thể thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Thêm chính sách thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa

Hiện, Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định FTA, trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Việc thực hiện các cam kết này sẽ gây sức ép xe nhập khẩu có chất lượng, công nghệ cao, giá thành cạnh tranh lên các sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đây là những khó khăn đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng DN sẽ không đủ để tạo ra sự ổn định trong duy trì sản lượng và doanh số bán hàng, cũng như sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.

Trên thực tế, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hiện đang vừa yếu, vừa thiếu, phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu linh phụ kiện. Hiện các DN tại Việt Nam mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết, trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện.

Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao. Không chỉ vậy, lĩnh vực sản xuất ô tô còn phụ thuộc lớn vào các loại chip bán dẫn. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe. Trong khi đó, hiện nay chưa có DN trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cần có những chính sách có tầm nhìn dài hơi hơn cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Thực tế, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành công nghiệp ô tô trong nước chưa đủ mạnh, chưa tạo ra sự khác biệt để từ đó DN có thể giảm chi phí vốn, giảm được hoạt động vay nợ, từ đó có thể giảm giá thành sản phẩm.

Về lâu dài, cần thêm các chính sách hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, từ đó, giảm giá thành sản phẩm. Làm sao phải có sự kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng thành một mạng lưới phân phối tốt, qua đó sẽ làm giảm chi phí.

Bên cạnh đó, bản thân các DN sản xuất, kinh doanh ô tô cũng cần có chính sách hậu mãi như có trạm sửa chữa, linh phụ kiện để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Nếu làm tốt thì người tiêu dùng sẽ thích thú mua xe lắp ráp trong nước.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho rằng, để phát triển ngành ô tô trong nước cũng như nâng tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm cần tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn về dung lượng thị trường và chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực. Ngành công nghiệp ô tô cũng cần những chính sách đủ mạnh để giải quyết các vấn đề như chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao… để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chi phí, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai

Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển, thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các DN FDI tại Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh

Xem thêm tại nguoiquansat.vn