Cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và ngân hàng Việt Á
214 căn hộ tại khu chung cư Phú Thạnh đã mua bán vẫn bị thông báo xiết nợ
Như Kinhtedothi.vn đã thông tin ở bài trước, thanh toán 95% hợp đồng mua căn hộ và đã sinh sống ổn định hơn 10 năm, 214 hộ dân thuộc chung cư Phú Thạnh (53 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) bất ngờ nhận được thông báo xiết nợ từ Ngân hàng TMCP Việt Á (Ngân hàng Việt Á).
Theo đó, Ngân hàng Việt Á cho biết, căn cứ theo hợp đồng tín dụng số 55 ngày 2/8/2010 và hợp đồng thế chấp số 104 ngày 4/8/2010, số 03 ngày 24/1/2010, Công ty CP xây dựng công trình 585 (Công ty 585) đã sử dụng tài sản thế chấp là 214 căn hộ thuộc dự án chung cư Phú Thạnh để đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ nợ của Công ty 585 tại Ngân hàng Việt Á - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, bao gồm nhưng không giới hạn là vốn nợ gốc, nợ lãi, chi phí xử lý tài sản và các khoản chi phí khác.
Hiện nay, khoản nợ vay của Công ty 585 đã bị nợ quá hạn, đã vi phạm các điều khoản của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đã ký kết. Ngân hàng sẽ khởi kiện Công ty 585 tại tòa án các cấp có thẩm quyền để yêu cầu xử lý phát mãi tài sản thế chấp là 214 căn hộ theo danh mục đính kèm.
Kể từ ngày nhận được thông báo này, Ngân hàng Việt Á - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đề nghị Công ty 585 hoặc Ban Quản trị chung cư Phú Thạnh thông báo đến các ông/bà đang sử dụng tài sản thế chấp (214 căn hộ) có nghĩa vụ phối hợp và bàn giao tài sản cho ngân hàng để xử lý, thu hồi nợ vay tại Công ty 585 theo thỏa thuận đã ký trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và các quy định của pháp luật.
Sau thông báo xiết nợ của Ngân hàng Việt Á, 214 hộ dân tại chung cư Phú Thạnh như ngồi trên đống lửa, cuộc sống bị đảo lộn, bất an.
Chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo
Theo luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, chủ đầu tư mang căn hộ chung cư đã thế chấp ngân hàng tếp tục ký hợp đồng mua bán, thu tiền của khách, không những khiến khách hàng không thể làm được giấy chủ quyền, mà còn gặp nguy cơ bị phát mãi nhà để trả nợ.
“Trong trường hợp này, có thể hiểu, 1 tài sản đã 2 lần được mang ra giao dịch (1 bán cho người mua nhà và 1 thế chấp). Đây là dấu hiệu của hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hành vi này có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự” – luật sư Thảo nói và nhấn mạnh, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, người mua nhà có thể sớm gửi đơn tới các cơ quan chức năng để được xem xét.
“Theo quy định pháp luật hiện hành thì nhà đất thuộc dự án đã bán cho người dân mà mang đi thế chấp cho ngân hàng thì giao dịch thế chấp là vô hiệu, do chủ đầu tư không còn quyền năng thế chấp tài sản đã bán. Hơn nữa, ngân hàng cũng không thể nói là không biết tài sản thế chấp đã bán cho người dân nếu khi thẩm định tài sản để nhận thế chấp thì người dân đã vào ở và sinh sống ổn định tại chung cư đó” – luật sư Thảo nói thêm.
Theo đó, trong vụ việc này, phía Công ty CP xây dựng công trình 585 do ông Thân Đình Cường làm Tổng Giám đốc phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, liên quan đến bên thứ 3 là Ngân hàng Việt Á, cũng cần làm rõ một số vấn đề.
Ngân hàng Việt Á có kiểm soát dòng tiền thanh toán và giao dịch liên quan chính tài sản mà mình đang nhận thế chấp?
Còn theo luật sư Lê Ngô Trung – Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự, với việc một tài sản vừa đem đi cầm cố thế chấp cho ngân hàng, vừa mua bán cho người dân thì hoàn toàn có cơ sở để xem xét về hành vi có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng cần xem xét trách nhiệm của ngân hàng, cụ thể: theo hợp đồng mua bán được giao kết và thực hiện giữa chủ đầu tư và khách hàng có ba hình thức thực hiện thanh toán mà trong đó có hai hình thức là nộp tiền mặt và chuyển khoản vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại chính bên cho vay (Ngân hàng Việt Á). Điều này đặt ra câu hỏi về việc ngân hàng này có biết và kiểm soát hay không dòng tiền thanh toán và giao dịch liên quan chính tài sản mà mình đang nhận thế chấp?
Bởi lẽ, thông thường khi tiến hành giao dịch thế chấp thì các ngân hàng chỉ cho vay thấp hơn giá trị tài sản, và việc thanh toán liên quan tài sản đang thế chấp được chỉ định vào tài khoản của bên thế chấp (chủ đầu tư) mở tại ngân hàng cho vay là công cụ đảm bảo kiểm soát dòng tiền và để khấu trừ trực tiếp vào khoản vay. Đối với các căn hộ đã thanh toán đủ phần đã thế chấp và được khấu trừ trực tiếp thì phía ngân hàng có cơ sở thực hiện việc giải chấp để chủ đầu tư sang tên cho người mua. Trong khi thực tế nhiều người mua đã thanh toán lên đến 95% giá trị căn hộ mà vẫn không tiến hành thủ tục giải chấp, liệu có hay không việc Ngân hàng Việt Á không hề hay biết về các giao dịch này giữa chủ đầu tư và người mua căn hộ?
Kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Đem nhà đã bán đi “cắm” ngân hàng
Những năm qua, tình trạng chủ đầu tư tự ý mang dự án, căn hộ đã bán cho khách hàng để cầm cố ngân hàng không còn lạ ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn chưa được các cơ quan ban ngành xử lý đến nơi đến chốn.
Điển hình là trường hợp Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là hai khoản nợ gộp của Công ty TNHH XD Bảo Phượng Trang và Công ty TNHH XD Thành Trường Lộc.
Trong đó, Công ty TNHH XD Thành Trường Lộc (Công ty Thành Trường Lộc) được biết đến là chủ đầu tư dự án chung cư 4S Linh Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, trong 12 tài sản đảm bảo cho khoản nợ gộp của hai công ty có khoản phải thu của các căn hộ, tầng thương mại đã bán và diện tích 1.116,23m2 hầm giữ xe tại chung cư 4S Linh Đông.
Ngoài ra, còn có hàng loạt dự án khác cũng đã đưa vào sử dụng và bàn giao cho người mua nhà như: khu dân cư Phú Hữu (TP Thủ Đức) thế chấp từ năm 2005; chung cư Bảy Hiền (quận Tân Bình) thế chấp ngân hàng năm 2008; chung cư Minh Thành (quận 7) thế chấp năm 2010; chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú) thế chấp năm 2010; chung cư Tân Hồng Ngọc (quận Tân Phú) thế chấp năm 2010; dự án Dreamhome Luxury (quận Gò Vấp) thế chấp ngân hàng từ năm 2015; chung cư Avila (quận 8) thế chấp năm 2016;…
Xem thêm tại nguoiquansat.vn